Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tiến hành lập điều chỉnh, bổ sung và trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về quy hoạch đối với hai cảng hàng không nói trên. Triển khai thực hiện phải nghiên cứu, đánh giá toàn diện các yếu tố về kinh tế - kỹ thuật.
Trước đó, theo tờ trình của UBND tỉnh Kon Tum, vị trí cảng hàng không dự kiến tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, cách trung tâm TP. Kon Tum khoảng 45 km về phía Đông Bắc, cách Cảng hàng không Pleiku khoảng 73 km về phía Đông Bắc, cách Cảng hàng không Phù Cát khoảng 105 km về phía Tây Bắc, cách Cảng hàng không Chu Lai khoảng 93km về phía Tây Nam.
Khu vực dự kiến quy hoạch cảng hàng không nằm hoàn toàn trên khu vực đồi núi, diện tích dự kiến khoảng 350 ha; công suất quy hoạch dự kiến đến năm 2030 khoảng 1 triệu hành khách/năm (được định hướng cải tạo dây chuyền để khai thác vượt công suất cho giai đoạn sau năm 2030); cấp sân bay 4C theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới.
Tổng mức đầu tư xây dựng Cảng hàng không Măng Đen giai đoạn đầu gần 5.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư này dự kiến được huy động từ vốn ngân sách nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng gần 330 tỷ đồng (chiếm 6,6%); vốn của nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức PPP, khoảng hơn 4.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 93,4%.
Thời gian hoàn vốn dự án Cảng hàng không Măng Đen dự kiến khoảng hơn 48 năm.
Nằm ở độ cao 1200m so với mực nước biển, Măng Đen được ví như “Đà Lạt thứ hai” giữa núi rừng Tây Nguyên. Với không gian gần gũi thiên nhiên cùng vẻ đẹp hoang sơ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tham quan và khám phá.
Do đó, việc địa phương này có sân bay sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ công tác quốc phòng an ninh tại địa phương. Dự án hứa hẹn tạo động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Kon Tum.
Bên cạnh sân bay Măng Đen, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý bổ sung cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào quy hoạch mạng lưới đường bộ, đoạn qua tỉnh nào thì tỉnh đó sẽ thực hiện.
Trong khi đó, dự án sân bay Vân Phong được đề xuất triển khai có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỉ đồng, thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT.
Sân bay Vân Phong dự kiến quy hoạch thuộc cấp 4E, công suất 2,5 triệu hành khách/năm, với 9 vị trí đỗ máy bay, chiều dài đường băng 3.050m (đến năm 2030).
Nếu lượng hành khách và hàng hóa tăng cao, sân bay sẽ được mở rộng, nâng công suất lên 10 triệu hành khách/năm với 27 vị trí đỗ máy bay.
Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh đề án quy hoạch, tham mưu tỉnh báo cáo Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư.
Phong Vân