Sáng 2-6, Ban chỉ đạo lập đề nghị xây dựng luật, Bộ Quốc phòng tổ chức phiên họp triển khai lập đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đồng chủ trì hội nghị: Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng ban chỉ đạo.
Tại phiên họp, các đại biểu được nghe công bố quyết định thành lập ban chỉ đạo, tổ nghiên cứu lập đề nghị xây dựng Luật; quy chế hoạt động của ban chỉ đạo, tổ nghiên cứu; báo cáo kết quả việc triển khai lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam và Trung tướng Lê Quốc Hùng đồng chủ trì phiên họp.
Triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề xây dựng pháp luật, Bộ Quốc phòng giao cho Tổng cục Công nghiệp quốc phòng-Cơ quan Thường trực chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành đánh giá, nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện trên cơ sở thực tiễn bối cảnh tình hình thế giới, khu vực những năm qua và kết quả quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, Pháp lệnh Động viên công nghiệp; hoàn thiện dự thảo hồ sơ Luật, gửi xin ý kiến các bộ, ban, ngành, địa phương và đăng tải công khai hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để xin ý kiến rộng rãi của nhân dân.
Quang cảnh phiên họp.
Đại biểu thảo luận tại phiên họp.
Dự thảo hồ sơ Luật với tên gọi Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đã được các thành viên hội đồng thẩm định do Bộ Tư pháp chủ trì đồng thuận, thống nhất cao và nhất trí đề nghị trình Chính phủ xem xét thông qua. Ngày 11-2-2022, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an và ý kiến nhất trí của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bố cục Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 8 chương, 95 điều.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thượng tướng Phạm Hoài Nam yêu cầu cơ quan thường trực, tổ biên soạn hồ sơ luật của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng phối hợp, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các nội dung cụ thể, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực. Quá trình thực hiện bảo đảm lộ trình, thời gian và tính hợp lý, khả thi khi giải trình bảo vệ trước cơ quan Chính phủ và đại biểu Quốc hội cũng như áp dụng trong thực tiễn sau khi Luật được thông qua.
Tin, ảnh: SƠN BÌNH
Nguồn: qdnd.vn