![](/fileman/Uploads/tbNews/11110/thumb/imgp8328.jpg)
Đơn vị phần lớn là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp nên việc đóng góp có sự đồng thuận cao. Cứ đầu tháng là mọi người tự động trích lương, đơn vị cử cán bộ đến trao tận tay gia đình, học sinh đơn vị nhận đỡ đầu.
Thượng tá Ngô Tấn Bình, Chính trị viên Ban CHQS huyện cho biết: Để việc xây dựng kinh phí giúp đỡ các em học sinh nghèo có hiệu quả và lâu dài, Đảng ủy - Ban CHQS huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, từng ban trực thuộc và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các CB, CS trong đơn vị, trong đó, nòng cốt là đoàn thanh niên. Sau đó chúng tôi phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và nhà trường khảo sát, tìm hiểu để lựa chọn những trường hợp thật sự khó khăn, trong đó ưu tiên con gia đình lực lượng DQTV, DBĐV.
Theo chân các anh, chúng tôi đến nhà ông Trương Văn Túc ở ấp Bình Lương 2, xã Bình Thạnh. Ông năm nay 76 tuổi nhưng sống một mình trong căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa cánh đồng bốn bề vắng vẻ. Bao nhiêu ruộng đất ông đã bán hết để chạy chữa bệnh cho vợ và con trai út nhưng cũng không qua khỏi. Những người con còn lại có gia đình riêng cũng không mấy khá giả. Bản thân ông bị bệnh tim vừa trải qua phẫu thuật. Dù già yếu, bệnh tật, nghèo khó nhưng ông là người thờ cúng anh trai là liệt sĩ. Thấy hoàn cảnh gia đình ông khó khăn CB,CS Ban CHQS huyện Thủ Thừa đã giúp đỡ ông từ năm 2009 đến nay. Dù kinh phí không lớn nhưng cũng góp phần giúp ông vượt qua khó khăn và cảm nhận sự ấm áp từ tấm lòng của người lính Cụ Hồ. Ông Túc bày tỏ: Gia đình tôi neo đơn, nhưng được CB, CS Ban CHQS huyện giúp đỡ tôi có tiền mua gạo, mua nhang, ăn uống hàng ngày. Vậy là quý lắm rồi!
Nhờ mô hình “Vững bước em tới trường” của Ban CHQS huyện Thủ Thừa mà hai anh em Nguyễn Tấn An và Nguyễn Thị Thùy Trang, học sinh Trường THCS Mỹ Lạc được đến lớp. Mẹ hai em bị bệnh nan y, để có tiền thuốc thang, tài sản, ruộng đất lần lượt ra đi, chỉ còn căn nhà đã xuống cấp. Ông Nguyễn Văn Tèo, tham gia vào lực lượng dự bị động viên của xã Mỹ Lạc là ba của An và Trang làm đủ các nghề như bốc vác, làm hồ, vác lúa mướn, bán hột vịt… cũng không đủ xoay sở. Năm học 2017, con đường học tập của An và Trang tưởng đã khép lại bởi bệnh tình của mẹ ngày càng nặng hơn, tiền thuốc thang hàng tháng trên 7 triệu đồng, nợ vay chồng chất. Hai em đã từng giấu ba mẹ nói là học thêm để đi vác nước đá mong có tiền đóng học phí. Nhưng số tiền nhỏ nhoi ấy chỉ đủ phụ với ba chạy thuốc cho mẹ, đóng tiền lời hàng ngày.
Với sự chung sức của CB, CS Ban CHQS huyện Thủ Thừa đã giúp An và Trang có điều kiện đi học. 7 năm liền em Nguyễn Thị Thùy Trang là học sinh giỏi. Ông Nguyễn Văn Tèo, cảm động chia sẻ: Hiện gia đình tôi kiệt quệ về kinh tế, cha già trên 90 tuổi, ruộng đất không có, vợ bị bệnh, chuyện học hành của các con, tôi cũng đã rất cố gắng làm mướn kiếm tiền. Được sự quan tâm của Ban CHQS huyện tôi biết ơn nhiều lắm đã giúp hai con tôi đến lớp, giúp gia đình tôi phần nào vượt qua trong lúc khó khăn này. Bản thân tôi hứa sẽ sống tốt và hoàn thành trách nhiệm của người quân nhân dự bị.
Tấm lòng của CB, CS Ban CHQS huyện Thủ Thừa đã đồng hành cùng người dân nghèo trên địa bàn đóng quân. Những người như ông Túc, em An và Trang sẽ có thêm niềm tin vào tình người, vào cuộc sống phía trước. Điều đó một lần nữa minh chứng ở nơi này, nơi khác, dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều gian khó, nhưng ở đó vẫn sáng đẹp tình quân dân gắn bó.