Từ giữa năm 1975, Khmer Đỏ tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, phá hủy nhiều ngôi làng và giết hại hàng chục ngàn thường dân Việt Nam. Phía Việt Nam chỉ tổ chức phòng ngự và cố gắng đàm phán tìm giải pháp hòa bình, nhưng Khmer Đỏ bác bỏ. Ta càng nhân nhượng, địch càng lấn tới, Khmer Đỏ đã huy động gần 20 sư đoàn tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Tại những vùng chiếm đóng, Khmer Đỏ đã thực hiện chính sách diệt chủng đối với người Việt. Việt Nam thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình nên đã tổ chức tấn công lớn vào Campuchia, lật đổ Khmer Đỏ và giúp bạn lập nên chế độ mới.
Chấp hành nhiệm vụ cấp trên, Trung đoàn Không quân 937 tổ chức nhiều trận đánh lớn tấn công kẻ thù. Các máy bay của Trung đoàn liên tục cơ động trên các sân bay theo những nhiệm vụ của chiến dịch. Một trong những trận đánh có ý nghĩa của Trung đoàn là trận hiệp đồng chặt chẽ với Hải quân Nhân dân Việt Nam tấn công tiêu diệt bọn Khme Đỏ ở Kong Pong Xom ngày 7/1/1979.
Theo kế hoạch tác chiến, trên hướng biển, Hải quân ta hiệp đồng với 2 Sư đoàn 325, 304 của Quân đoàn 2 và Lực lượng vũ trang Cách mạng của bạn đánh tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 164 của địch, giải phóng cảng và thị xã Kong Pong Xom, sau đó phát triển cơ động lực lượng bằng tàu thuyền tiêu diệt Sư đoàn 101, giải phóng các đảo còn lại dọc theo biển: Cô Rông, Cô Công và thị xã Cô Công. Nhiệm vụ của Không quân là dùng máy bay ném bom tiêu diệt tàu chiến địch trên biển quanh hải cảng, các đảo để dọn bãi, tạo điều kiện cho Hải quân đổ bộ đánh chiếm các mục tiêu.
06 giờ 30 phút ngày 7/1/1979, theo kế hoạch hiệp đồng giữa Hải quân và bộ binh đánh chiếm cảng Kong Pong Xom, nhưng Sư đoàn bộ binh 325 đến chậm so với thời gian hiệp đồng do gặp phải bãi lầy, xe cơ giới chở quân không qua được, phải hành quân bộ. Lữ đoàn Hải quân 126 đổ bộ vào cảng Kông Pông Xom đúng lúc thủy triều xuống, xe tăng, xe lội nước và lính thuỷ đánh bộ không phối hợp được với nhau. Ở trên cảng, địch tổ chức phòng thủ chống cự quyết liệt với hỏa lực mạnh gây khó khăn cho Hải quân ta chiếm lĩnh cảng.
Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định đưa Không quân vào chi viện. Sư đoàn Không quân 372 lệnh cho Trung đoàn Không quân 937 tổ chức 3 Biên đội A37 (12 chiếc) xuất kích kịp thời, đánh trúng các cụm hỏa lực quan trọng của địch, tạo thuận lợi cho quân ta vượt lên đẩy nhanh tốc độ tiến công vào Kong Pong Xom.
Đến cuối ngày 7/1/1979, quân ta hoàn toàn làm chủ thế trận trên chiến trường Tây Nam. Quân Khmer Đỏ, kẻ gây tội ác diệt chủng, đã trở thành tàn quân và phải rút khỏi Phnôm Pênh. Với thế đánh áp đảo và cường độ xuất kích lớn, Không quân ta làm chủ toàn bộ vùng trời được giao.
Đại tá phi công Lương Quốc Bảo, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không – Không quân (năm 1979 là Đại úy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937) xúc động nhắc lại những trận đánh của Trung đoàn 937. Trung đoàn đã tổ chức nhiều trận đánh lớn dùng máy bay A37 ném bom chi viện cho bộ binh, nhưng trận ngày 7/1/1979 là trận đánh để lại nhiều ấn tượng nhất với ông, trận đánh mà ông trực tiếp bay số 1 chỉ huy, dẫn đầu đội hình. Đây là trận đánh hiệp đồng giữa Không quân, Hải quân và bộ binh, trận đánh then chốt vì vậy không được phép sai sót về thời gian, mục tiêu tấn công... Các Biên đội không tấn công theo từng chiếc nối đuôi nhau vào cắt bom, mà từng Biên đội 4 chiếc cùng một lúc bổ nhào ném bom gây sức công phá mãnh liệt, uy hiếp kẻ thù. Các Biên đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tấn công tiêu diệt địch, tạo điều kiện cho Hải quân, bộ binh tiến công Kong Pong Xom.
Trung đoàn Không quân 937 còn là Trung đoàn đầu tiên được trang bị máy bay hiện đại Su 22 và Su 27. Với những thành tích đã đạt được, ngày 28/8/1981,Trung đoàn Không quân 937 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.