Vị trí này còn án ngữ trên con đường thủy có thể lưu thông qua Lào, Campuchia, Thái Lan nên hơn 100 năm trước - trước nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1917) với tham vọng ngăn chặn các nước kẻ thù (Đức, Áo, Hung) qua biển Đông, tràn vào tranh giành thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, nên thực dân Pháp đã cho xây dựng Đồn Rạch Cát - Một pháo đài quân sự lớn nhất nhì Việt Nam án ngữ ngay cửa 4 con sông Nhà Bè - Rạch Cát - Vàm Cỏ - Soài Rạp thông với cửa biển Vàm Láng. Kiểm soát và khống chế toàn bộ giao thông thủy vào Sài Gòn, xuống miền Tây và xa hơn nữa 1 phần biển Vũng Tàu bằng đại pháo tầm xa.
Được khởi công xây dựng năm 1903, Đồn Rạch Cát có quy mô công trình dài 300m, rộng 100 m, cao 5 tầng (3 tầng chìm, 2 tầng nổi). Pháo đài được thiết kế hình vòng cung, xây dựng trên diện tích khoảng 3 ha. 4 phía được bao bọc bằng các bức tường có độ dày từ 60 đến 80 cm, cửa làm bằng thép dày 10cm. Xung quanh pháo đài có hào nước rộng, tường bảo vệ vòng ngoài với các lỗ châu mai nhằm đè bẹp tất cả những hành động đột nhập từ bên ngoài.
Thời gian xây dựng pháo đài kéo dài 11 năm (năm 1903-1914). Theo tài liệu của Pháp, chi phí xây dựng pháo đài khoảng 7 triệu francs thời ấy, cao gấp 3,5 lần chi phí xây dựng Nhà hát lớn Hà Nội. Cách pháo đài chính vài trăm mét là hệ thống các lô cốt bảo vệ từ xa, trang bị hỏa lực mạnh. Việc xây dựng pháo đài rất công phu và tốn kém, từ vận chuyển vật liệu đến việc xử lý nền đất yếu, trong khi vị trí xây dựng pháo đài còn hoang vu, bao phủ bởi rừng ngập nước, thưa thớt dân cư, hàng trăm dân phu đã phải bỏ mạng vì "rừng thiêng, nước độc" ốm đau, bệnh tật và công việc quá nặng nhọc.
Chuyện cũ được kể lại, năm 1903, Pháp cho tàu chở vật liệu đến để xây đồn. Ngay sau đó xảy ra trận bão năm 1904 cuốn trôi hết vật liệu ra sông, ra biển. Năm 1905, Pháp gom dân 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước đến đây chịu cảnh ăn đói mặc rét, ngày đêm lao động khổ sai đào móng đóng cừ, đào nền (diện tích 3.000m2) sâu hàng chục mét dưới lòng đất để xây 4 tầng ngầm (ngang 100m, dọc 300m). Xung quanh đồn có tường rào kiên cố với chu vi 11.988m; có cầu tàu lắp đường ray dài 50m để xe goòng chuyển hàng từ tàu vào đồn.
Trải qua biết bao khó khăn vất vả, cuối cùng pháo đài cũng được đưa vào sử dụng sau 11 năm ròng xây dựng. Với những trang bị vũ khí vào loại hiện đại nhất thời đó. Nằm uy nghi ở hai đầu pháo đài là 2 dàn đại bác thuộc loại hiện đại nhất của Pháp thời ấy. Những dàn đại bác này với tầm bắn trên 20km sẽ kiểm soát cả vùng cửa biển, tới tận Vũng Tàu, khống chế cả khu vực Cần Giuộc, Gò Công, thậm chí sát tới Sài Gòn. Mỗi tháp pháo đặt hai khẩu đại bác 240 mm, đây là loại pháo hạm đặt trên tàu chiến, thuộc loại hiện đại nhất thời đó. Với trọng lượng mỗi khẩu pháo nặng 140 tấn, quả đạn nặng 162 kg, tầm bắn lớn nhất là 22,7 km. Tháp pháo bằng thép dày, mỗi tháp đặt hai khẩu pháo song song, có thể quay vòng 360 độ. Cùng với 2 tháp pháo chủ lực là ba khẩu đội pháo phòng không 75 mm và hai khẩu đội pháo bắn gần 95 mm. Tại trung tâm pháo đài có đặt thiết bị điều khiển hỏa lực và máy đo tọa độ, đài quan sát, hệ thống thông tin, liên lạc... Bảo vệ pháo đài ở cự ly gần có hệ thống hỏa lực phòng thủ với 10 súng máy 8mm và các lô cốt, chòi canh, bót gác bảo vệ vòng ngoài và hệ thống đảm bảo hậu cần, kỹ thuật gồm kho đạn, kho hậu cần, cầu cảng...
Năm 1939, trước nguy cơ phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp vội sửa sang đồn, trang bị thêm súng pháo, nhà ở và các hồ chứa nước cho binh lính. Khi chiến tranh thế giới II xảy ra (1939), Pháp cho sửa sang đồn, xây thêm các trận địa pháo phòng không, súng máy phòng không. Năm 1940, thực dân Pháp còn đưa vật liệu đến để ngăn sông hòng kiểm soát tàu bè qua lại. Công việc còn đang dang dở thì nước Pháp bị phát xít Đức xâm chiếm. Trong khi đó, ở Đông Dương, Nhật đánh chiếm Việt Nam, nhưng thực dân Pháp ở đồn Rạch Cát vẫn không hay biết (do thiếu thông tin); chúng tiếp tục củng cố đồn và cho lính túc trực, đốn cây ngăn lộ để cản bước đối phương.
Tiếp đến, Nhật đảo chánh Pháp; thực dân Pháp đầu hàng Nhật ở Sài Gòn nhưng ở đồn Rạch Cát cũng không hay biết gì; mãi 3 ngày sau, một viên sĩ quan Nhật mang danh trưởng xưởng đóng tàu (thực dân Pháp có mở xưởng đóng tàu ở chợ Kinh, Long Hựu) mời viên trưởng đồn Pháp ở Rạch Cát đến cho biết tình hình và buộc đơn vị Pháp phải giao đồn cho đơn vị Nhật. Lực lượng của Pháp trong đồn lập tức bị hốt hết xuống tàu chở đi; chừng một tuần sau thì Nhật đưa tàu đến đồn chở hết các loại trọng pháo, súng ống, đạn dược ở đồn Rạch Cát đưa đi nơi khác.
Tháng 8/1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh; bọn Nhật chiếm đóng đồn Rạch Cát cũng bỏ đồn, nhanh chân rút chạy. Người dân xã Long Hựu Đông đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh lập Đội Thanh niên Tiền phong, dùng gậy gộc, giáo mác nổi lên giành chính quyền và kéo đến chiếm lấy đồn Rạch Cát. Sau đó, ta cử 2 trung đội chính quy đến trấn giữ đồn này. Sạch bóng thực dân Pháp, phát xít Nhật; rồi đế quốc Mỹ... qua các thời kỳ chiến tranh tiếp theo rồi đồn Rạch Cát cũng hoàn toàn thuộc về ta.
Sau hơn 100 năm tồn tại, phần lớn kết cấu của pháo đài vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt", riêng 2 khẩu đại pháo pháo ở 2 đầu pháo đài, cùng các khẩu pháo phòng không và pháo trợ chiến bắn gần cũng đã bị tháo dỡ chỉ còn lại trận địa bằng bê tông kiên cố. Ngoài ra, vào cuối thập niên 1930, đến trước Thế chiến thứ II, để tăng cường thêm hỏa lực cho pháo đài, thực dân Pháp còn xây dựng ở hai đầu của pháo đài hai ụ pháo lộ thiên, mỗi ụ đặt một khẩu pháo 138 mm. Đây là một loại pháo hạm hiện đại, bán tự động, có tốc độ bắn cao, tầm bắn 18,2 km, đạn nặng 40 kg. Hai ụ pháo này tiếp tục được quân đội Sài Gòn sử dụng cho tới thập niên 1960, dùng để bắn “càn quét” vùng hạ huyện Cần Đước, tỉnh Gò Công, huyện Cần Giờ... hiện 2 khẩu pháo này vẫn còn nhưng đã hư hỏng hoàn toàn.
Hiện nay, pháo đài Rạch Cát vẫn còn khá nguyên vẹn các kết cấu bằng thép, chỉ các công trình bê tông bị hư hỏng, nhất là 3 phần hầm dưới đất, vào lúc nước ròng, tầng hầm trên cùng của pháo đài hiện ra khá rõ, còn 2 tầng hầm bên dưới thì nước và bùn ngập quanh năm, không ai biết hiện còn những gì bên trong. Các đài quan sát từng cao đến 20-25m nay đã bị sụp đổ và các lô cốt xung quang pháo đài đã đổ ngã, cỏ hoang bao phủ...
Ngày 22/8/1992, UBND tỉnh Long An ra quyết định bảo vệ di tích kiến trúc quân sự Đồn Rạch Cát, cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn kết hợp du lịch di tích lịch sử với du lịch sinh thái và nghỉ ngơi an dưỡng cuối tuần. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh phối hợp vói các sở, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh trong việc xin chủ trương đầu tư, trùng tu công trình Đồn Rạch Cát. Cho đến năm 2012, Quân khu 7 thành lập đoàn đi khảo sát và có Công văn số 1998 ủng hộ chủ trương của tỉnh Long An. Ngày 29/3/2017, Bộ CHQS tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn đề nghị Quân khu 7 cho chủ trương về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, trùng tu công trình Đồn Rạch Cát phục vụ tham quan du lịch trong thời bình. Ngày 16/5/2017, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã xin chủ trương Bộ Quốc phòng về vấn đề trên. Bộ CHQS đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc đầu tư, trùng tu công trình Đồn Rạch Cát, phục vụ tham quan, du lịch trong thời bình.
Trong một tương lai gần Đồn Rạch Cát sẽ trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, cùng với di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà 100 cột ở Long Hựu Đông sẽ là điểm đến của tua du lịch từ Rừng Sác, Cần Giờ ra biển Gò Công (Tiền Giang) qua sông Vàm Cỏ, nối các tỉnh miền Tây với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, qua tuyến đường thủy mà một thời pháo đài từng trấn giữ.