Uống nước nhớ nguồn
Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là những nội dung lớn của công tác chính sách sau chiến tranh, luôn được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quan tâm thực hiện. Điều đó khẳng định quan điểm nhất quán, chủ trương đúng đắn của Đảng, đồng thời thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta và tấm lòng thành kính, biết ơn của những người đang sống đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Theo đánh giá, kết quả nổi bật của công tác này thời gian qua là các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng, cơ quan, đơn vị đã quán triệt nghiêm túc Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị (khóa XI), Quyết định 1237 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo” (gọi tắt là Đề án 1237) và các quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; chủ động làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được ban hành kịp thời, tương đối đồng bộ, thống nhất. Lực lượng làm nhiệm vụ được thành lập, kiện toàn; phương tiện, cơ sở vật chất, trang bị được bảo đảm; chế độ, chính sách cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập được quan tâm; hợp tác quốc tế về nhiệm vụ này được mở rộng; công tác kiểm tra, quản lý tình hình, xử lý các vướng mắc phát sinh được tiến hành thường xuyên, kịp thời.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, nhiều cán bộ, chiến sĩ (nhất là các đội công tác chuyên trách) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Từ tháng 10-2015 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận thông tin, xây dựng kế hoạch khảo sát 31 điểm; tổ chức hội thảo 7 lần để xác định thông tin, vị trí mộ liệt sĩ đã khai quật tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở 26 địa điểm khác nhau. Kết quả đã tìm kiếm ở 21 khu vực có hài cốt liệt sĩ, quy tập được 181 hài cốt. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao của các ngành, các cấp trong tỉnh trước nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả; thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ, đáp ứng một phần nguyện vọng, củng cố thêm niềm tin của nhân dân và đối tượng chính sách.
Xoa dịu nỗi đau
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 Nghĩa trang liệt sĩ đang quản lý, chăm sóc 13.244 hài cốt liệt sĩ; trong đó mới có 3.375 mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin và 9.083 mộ liệt sĩ có một phần thông tin hoặc chưa biết thông tin. Hai chữ “vô danh” được khắc trên mộ phần chính là nỗi đau của những người đang sống. Cha mẹ sinh ra, mỗi người đều có tên họ. Các anh, các chị, cả tuổi thanh xuân đã dành cho Tổ quốc và chiến tranh đã khiến cho những con người kiên trung đó vẫn đang phải nằm trong những phần mộ liệt sĩ “vô danh”.
Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Đại tá Ao Tấn Tài, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết với trách nhiệm của người đang sống nhằm tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, Ban Chỉ đạo 515 của tỉnh sẽ nhanh chóng lập kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ năm 2019 và những năm tiếp theo; tổ chức thành phong trào thường xuyên, sâu rộng, vận động các tổ chức hội, hội viên, đoàn viên và toàn dân tích cực cung cấp thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tổ chức các diễn đàn, trao đổi, chia sẻ thông tin; lập các chuyên mục về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt và thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ… Những việc làm thiết thực này nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. “Với kinh nghiệm thực tiễn tích lũy được trong những năm qua, chúng ta nhất định sẽ thực hiện tốt Đề án 1237 trong những năm tiếp theo, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân và thân nhân các liệt sĩ”.