Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 23/12 vừa qua.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao;
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước ngày càng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (18,9%) cao hơn so với khu vực FDI (11,6%); đồng thời, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước (28,9% so với 26,9%).
Hoạt động nhập khẩu được đảm bảo với cơ cấu phù hợp, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng. Trong đó, nhóm hàng cần nhập khẩu tiếp tục chiếm tỷ trọng cao (gần 89%). Việc nhập khẩu các mặt hàng linh kiện, máy móc, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng trưởng trở lại cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, cũng như những tín hiệu tích cực về các đơn hàng nhận được trong thời gian tới.
Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 12% so với 2024, đóng góp mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức cao 8%.
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu trong năm 2025, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin kịp thời cho các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đồng thời, tích cực triển khai đa dạng các hình thức (trực tiếp và trực tuyến) để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các Hiệp định FTA đã thực thi để tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu...
Phương Vũ