Tranh màu nước " Thay lời cảm ơn" hoạ sỹ Đặng Quang Tiến
Năm 2021
Chúng ta vừa trải qua những ngày cuối cùng của năm 2021, cũng là dấu mốc khép lại năm thứ 2 chiến đấu với dịch bệnh Covid-19. Làn sóng dịch bệnh Covid - 19 lần thứ tư bắt đầu từ ngày 27/04/2021 đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các quốc gia trong đó có Việt Nam do sự lây lan nhanh chóng của chủng đột biến mới Delta. Theo thống kê, tính đến ngày 17/12, số ca nhiễm tại Việt Nam đã chạm ngưỡng 1.508.473 ca nhiễm và 29.103 ca tử vong.
Lễ tưởng niệm hơn 2,3 nghìn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 diễn ra ngày 11/11/2021 đã cho thấy sự khốc liệt của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Có những người ra đi không một lời từ biệt; có những chiếc khăn tang không được quấn trên đầu vì phải cách ly, điều trị; có những đứa trẻ mất cha, mất mẹ, thậm chí mất cả cha mẹ, ông bà trở nên bơ vơ sau đại dịch; có những người chiến sĩ lên đường chiến đấu bảo vệ sức khỏe đồng bào nhưng đã không bao giờ trở về nữa,… Đây thật sự là nỗi mất mát lớn lao của đất nước và Dân tộc Việt Nam.
Không chỉ đe dọa tính mạng, sức khỏe và an toàn của người dân mà dịch Covid -19 bùng phát trên diện rộng còn kéo theo nhiều khó khăn về đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhớ những ngày cả nước thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Những tấm phiếu đi chợ được cấp theo ngày, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, bên ngoài người dân thưa thớt, đường phố vắng hoe, tiếng xe cộ quen thuộc được thay bằng tiếng xe cấp cứu, xe chuyên dụng… có lẽ với nhiều người, đây là kỷ niệm không thể nào quên.
Đã có những dự định còn dang dở, những con người không từ mà biệt, cuộc sống như cơ cấu lại mà không có sự chuẩn bị trước, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, trong khó khăn, chúng ta đã thấy được một Việt Nam đoàn kết, mạnh mẽ và trách nhiệm. Sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp chống lại dịch Covid-19 và đạt nhiều thành quả đáng trân trọng.
Sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị
Khi đợt thứ tư của dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng, Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ chưa từng có, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe và an toàn của người dân lên trên hết. Đồng thời ban hành những chính sách đúng đắn, kịp thời để chăm lo đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Tháng 5/2021, trong bối cảnh dịch bệnh ở một số vùng diễn biến phức tạp, cả nước đã chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đây là sự kiện quan trọng của Đất nước góp phần kiện toàn đội ngũ lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, ổn định hệ thống chính trị - xã hội và tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Đất nước nói chung và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 nói riêng.
Trong suốt thời gian qua, công tác phòng chống dịch Covid-19 luôn được các cấp, ngành, chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu. Những chỉ đạo, điều hành quyết liệt được đưa ra kịp thời, xác đáng dựa trên tình hình thực tế, vừa kế thừa vừa đổi mới để từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với biến chủng mới và diễn biến tại từng khu vực. Đảng và Nhà nước luôn trong tâm lý sẵn sàng chiến đấu, không để bị động và mất kiểm soát bởi dịch bệnh.
Khi dịch bùng phát ở các thành phố lớn, khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, nhiều chủ trương, biện pháp đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức, triển khai và hành động vì toàn dân, mỗi xã, phường là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” trong công tác phòng chống dịch Covid-19, triển khai Trạm Y tế lưu động, đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội về cơ sở để người dân được tiếp cận kịp thời, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho Nhân dân.
Đồng thời, tăng cường chính sách ngoại giao vaccine, thành lập quỹ vaccine phòng bệnh Covid-19, tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, phát triển vắc xin phòng bệnh với tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”. Tính đến ngày 11/12/2021, cả nước đã tiêm 69.119.369 liều mũi 1 và 55.901.935 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 96,7% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều là 78,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Trong khi làm nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ an toàn sức khỏe Nhân dân, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều giải pháp trong việc chăm lo đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tổ chức duy trì các hoạt động sản xuất và vận hành hợp lý ở những nơi an toàn, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của người lao động vào chuỗi sản xuất, cung ứng. Đồng thời, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch như hỗ trợ lương thực, thực phẩm, tiền mặt, giảm thuế, giảm phí điện - nước, giảm cước viễn thông, v.v.
Tinh thần đoàn kết dân tộc
Càng trong lúc khó khăn, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam lại càng sáng ngời hơn bao giờ hết. Dưới sự chỉ đạo của hệ thống chính trị, toàn thể Nhân dân Việt Nam đã trên dưới một lòng, tích cực thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, thông điệp của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch ở từng giai đoạn cụ thể. Qua đó góp phần giúp công tác ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị dịch Covid-19 được triển khai hiệu quả và đồng bộ; thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn của Nhân dân gắn với chăm lo đời sống và phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, đáp lại lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ các hoạt động quyên góp, ủng hộ quỹ vaccine Covid-19 hỗ trợ công tác phòng chống dịch đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên và người lao động.
Khi dịch lây lan nhanh ở các tỉnh phía Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế các tỉnh, thành phố phía Bắc đã kịp thời huy động nhân lực, vật lực hỗ trợ “tâm dịch”, cử hàng chục nghìn lượt cán bộ, bộ đội, bác sĩ, y tá ra tuyến đầu chống dịch. Nhờ đó, hệ thống y tế ở vùng dịch bệnh diễn biến phức tạp đã có sự nỗ lực, trách nhiệm cao, người bệnh được tiếp nhận điều trị kịp thời, giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đồng thời chúng ta đã được chứng kiến tinh thần “tương thân tương ái” trong bối cảnh cả nước giãn cách xã hội. Nhiều mạnh thường quân đã đóng góp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn,… đưa vào các khu phong tỏa, khu cách ly; lực lượng tình nguyện viên phun thuốc khử trùng khắp các tuyến đường của thành phố; những hộp cơm nóng hổi được trao tay cho người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh; những ổ bánh mì, chai nước dọc tuyến đường người dân hồi hương tránh dịch,… tất cả đều hướng về đồng bào ruột thịt.
Không ngừng hy vọng
Từ tháng 10/2021, Việt Nam đã chuyển hướng từ phương châm “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Những chỉ thị giãn cách đã được gỡ bỏ, Nhân dân dần bước vào cuộc sống “bình thường mới”.
Dịch bệnh đã mang lại những khó khăn, thử thách và cả những nỗi đau mất mát nhưng hãy tin rằng với những gì mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã và đang làm trong suốt thời gian vừa qua, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng.
Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, và có lẽ đây vẫn là một cái tết đặc biệt kể từ năm 2019. Bởi dù bước vào cuộc sống “bình thường mới” nhưng việc tụ tập đông người vẫn còn hạn chế; các lễ hội, hoạt động tôn giáo không sẽ không được diễn ra ở các địa phương bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết âm lịch; hoạt động của người dân, du lịch, thương mại trong dịp Tết Nguyên đán cũng cần được thực hiện đầy đủ quy định 5K.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tận hưởng một cái tết đầy hy vọng vì xã hội đang ở trong trạng thái “bình thường mới”; mật độ vaccine đã được bao phủ rộng rãi; Nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện các chính sách chăm lo cuộc sống cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; các hoạt động kinh tế - xã hội dần hồi phục; người lao động trở lại làm việc; hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại với quỹ đạo; những người con xa quê không còn bị mắc kẹt ở các thành phố, khoảng cách giữa những người thân đã được kéo gần hơn bao giờ hết.
Tết Nguyên Đán năm nay còn là một cái tết đáng nhớ và nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ, đi qua những ngày dịch bệnh chồng chéo lên nhau, chúng ta lại càng thêm biết ơn cuộc sống, trân trọng những điều giản dị thường ngày và thêm yêu thương cho những người thân của mình.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của lực lượng tuyến đầu, y tế, lực lượng vũ trang; ban, ngành, địa phương và các đơn vị cơ sở, cùng đoàn kết tích cực tham gia, công tác phòng chống dịch tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dẫu biết rằng hành trình chống lại dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng tin rằng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái sẽ là chìa khóa giúp dân tộc Việt Nam giành thắng lợi tốt đẹp trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19.