Nguồn gốc tinh thần quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Pháp mang tên L' Admiral Latouche Trévill với công việc phụ bếp. Từ đây, Người đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia trong 30 năm ròng rã để tìm đường cứu nước.
Cứ mỗi lần tàu cập bến một nước nào đó, Người lại lên bờ và tìm hiểu hiện thực xã hội. Tháng 12-1912, Người dừng chân trên đất Mỹ. Tại đây, Người thường lui tới khu vực Harlem ở thành phố Boston, nơi ở của người nghèo, chủ yếu là người da đen và nơi đây đang quyên góp tiền cho phong trào đấu tranh của người da đen ở châu Phi. Sau này, khi trả lời nhà báo Mỹ A.Luy Xtơrông, Người nhớ lại: “Khi ấy tôi chưa hiểu lắm về chính trị, nhưng tôi cảm thấy họ đều là những người nghèo khổ đang mong muốn được tự do. Họ có bao nhiêu tiền cũng bỏ ra trong lúc quyên góp, thế là tôi dốc cả tiền túi của mình ra góp vào đấy”. Đầu năm 1913, Người rời nước Mỹ đến nước Anh. Lúc này ở nước Anh đã hình thành một tổ chức gồm những người châu Á, có tư tưởng tiến bộ, gọi là “Hội những người lao động hải ngoại”. Người đã trở thành hội viên của Hội vì Hội này ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa.
Vào năm 1920, tại nước Pháp, qua nghiên cứu “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin, Người đã hoàn toàn tin theo Lênin và Quốc tế thứ ba. Từ đây, Người trở thành người chiến sĩ kiên trung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Hiện thân cao đẹp nhất của tinh thần quốc tế
Tại Pháp, Người đã tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa vào ngày 26-6-1921 tại Paris. Hội đã cho ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria). Người đã rút ra nhận định: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản” (Ðoàn kết giai cấp, Le Paria số 25, 5-1924).
Sau này, trong cuơng vị là Ủy viên Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Bí thư Cục Phương Nam; Ủy viên Ban chấp hành của Quốc tế Nông dân, Người đã tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông tại Trung Quốc vào năm 1925. Những hoạt động không biết mệt mỏi của Người trong những cương vị này đã tạo được lòng tin yêu đối với các đồng chí và nhân loại tiến bộ. Nhà thơ Liên Xô Ô-xíp Man-đen-sơ-tam, vào cuối năm 1923, sau khi gặp gỡ, trò chuyện với Người đã viết một bài đăng báo Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ), có đoạn: “Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy được sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.
Khi trở về nước lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” (2-9-1945), Người đã khẳng định trước toàn thế giới rằng: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Giáo sư Nhật Bản Singo Sibata đã đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”. Thực tế chứng minh rằng sau khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, một phong trào giải phóng dân tộc đã bùng lên mạnh mẽ, đập tan hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân.
Không những thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nổ lực xây đắp tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới. Người nhận định: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau: Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”. Phát huy tinh thần quốc tế của Người, từ 11 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1954, đến năm 2015 nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới.
Vào năm 1990, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ M.Ahmed - Giám đốc UNESCO phụ trách khu vực văn hóa châu Á - Thái Bình Dương đã nhận định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ Quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.
Bà Ketherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trong lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2010 cũng đã nhận định: “Hồ Chí Minh là một vĩ nhân có tầm nhìn xa trông rộng, Người đã đoán trước được sự phát triển vĩ đại của dân tộc này và do đó, đã góp phần vào việc xây dựng một phong cách mới của ngoại giao Việt Nam, một phong cách đã giúp Việt Nam xác lập thành công vị trí của mình ở khu vực và trên thế giới, rất phù hợp với những khái niệm về hợp tác hòa bình và hiểu biết lẫn nhau trên thế giới được UNESCO quảng bá”.