Sự quyết tâm hiện trên khuôn mặt của mỗi người vì tất cả đều chung mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ khóa huấn luyện. Đó chính là nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết, không ngại khó khăn vất vả của cán bộ trực tiếp quản lý chiến sĩ mới, những cán bộ được phân công rèn luyện, giúp đỡ để các chiến sĩ mới sớm trở thành quân nhân thực thụ.
Trong đội ngũ cán bộ huấn luyện chiến sĩ phải kể đến đội ngũ cán bộ Tiểu đội trưởng, những người vừa là đồng đội chia sẻ tâm tư tình cảm, vừa là người bạn, người anh giúp đỡ, dìu dắt những tân binh còn bỡ ngỡ và hồi hộp vì lần đầu xa nhà, xa người thân để vào môi trường mới. Họ là những người cách đây không lâu cũng là chiến sĩ mới, cũng từng trải qua 3 tháng huấn luyện, nên hiểu rất rõ tâm tư, tình cảm của tân binh. Do đó họ đóng vai trò rất quan trọng đối với mọi hoạt động của chiến sĩ mới.
Những ngày đầu tiên nhập ngũ hầu hết tân binh đều có cảm giác lo lắng, có chiến sĩ vừa vào đơn vị vài ngày đã nhớ nhà, nhớ người thân, bạn bè … rồi còn lạ lẫm từ những việc như: Xếp nội vụ, ăn uống, ngủ, nghỉ… đến bài học đầu tiên trên thao trường, bãi tập… Nếu không có sự tận tình, hướng dẫn, chỉ bảo của Tiểu đội trưởng thì chiến sĩ khó thích nghi với môi trường, khó bắt kịp tiến độ huấn luyện theo kế hoạch.
Thượng sĩ Nguyễn Thành Nhân, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 11, Trung đội 3, Đại đội 1, chưa từng huấn luyện chiến sĩ mới nhưng với kiến thức, kỹ năng, phương pháp được trang bị, anh tự tin khẳng định “Tiểu đội trưởng là người mà chiến sĩ mới dễ gần gũi, tâm sự. Nhất trong những ngày đầu bước chân vào môi trường Quân đội, nên tôi xác định là chổ dựa tin cậy cho anh em tin tưởng, trao đổi niềm vui, nỗi buồn, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các chiến sĩ mới yên tâm học tập, rèn luyện, gắn bó ngôi nhà chung”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới, Trung đoàn 174, 100% cán bộ trung đội, tiểu đội thường xuyên thực hiện “4 cùng” với chiến sĩ mới, đó là: “Cùng ăn, cùng ngủ, cùng huấn luyện, cùng lao động”, cho nên Tiểu đội trưởng không những nắm chắc lý lịch mà còn biết rõ năng khiếu, sở trường, các mối quan hệ, tâm tư, tình cảm và luôn gần gũi, chia sẻ những vui buồn cùng chiến sĩ.
Chiến sĩ Võ Lâm Hoài Phong, dân tộc Tà Mun, Trung đội 12, Đại đội 4 chia sẻ: Trước ngày lên đường nhập ngũ hơn một tháng, ba mất do lâm bệnh hiểm nghèo, tôi buồn lắm, cảm thấy hụt hẫng, sống khép mình, tự ti. Nhưng rồi tôi đã lấy lại được thăng bằng khi có sự chia sẻ, động viên kịp thời của cán bộ Tiểu đội trưởng, nên tôi nhớ mãi “Có lúc anh cũng rơi vào tình cảnh gần giống em, song nghĩ mình cần phải mạnh mẽ để làm chổ dựa tinh thần cho người thân. Mọi chuyện rồi sẽ qua, em còn trẻ, tương lai phía trước, anh tin là em có đủ bản lĩnh để vượt lên chính mình …”. Từ sự quan tâm ấy, giúp tôi trút bỏ được gánh nặng, ổn định tâm lý và lấy lại thăng bằng.
Còn nhiều trường hợp chiến sĩ khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn như: Kinh tế; cha, mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh hiểm nghèo; cha, mẹ chết; cha mẹ ly hôn… Song nhờ sự chia sẻ, động viên kịp thời của cán bộ các cấp, trong đó có đội ngũ Tiểu đội trưởng, những chiến sĩ đã vượt qua khó khăn, thử thách, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chiến sĩ Bùi Quang Minh, Trung đội 1, Đại đội 1 tâm sự: Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh, tôi đi làm với mức lương khá cao 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, tôi gác lại công việc để làm tròn nghĩa vụ của người công dân đối với Tổ Quốc. Những ngày đầu trong quân ngũ, nhớ nhà, nhớ người thân, nhưng được sự quan tâm gần gũi, thân thiện của đồng chí Tiểu đội trưởng đã giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, cảm nhận được tình cảm của đồng đội và ngày càng yêu mến đơn vị.
Theo Thiếu tá Lê Xuân Quỳnh, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới bên cạnh sự quan tâm của đội ngũ cán bộ các cấp, sự gần gũi, tỉ mỉ của các Tiểu đội trưởng đối với chiến sĩ mới có vai trò rất quan trọng. Đội ngũ Tiểu đội trưởng trong tiểu đoàn thực sự trở thành người anh, người bạn của chiến sĩ mới…