Đứng chân trên địa bàn xã Lộc An, nơi có địa bàn rộng 9 thôn, ấp với 42,8% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người đồng bào dân tộc S’tiêng, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu là làm thuê, làm mướn, trình độ nhận thức, dân trí không đồng đều. Chính vì vậy việc tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến được với người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tình hình cấp bách đối phó với dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Lộc An xây dựng mô hình “Tiếng loa Biên phòng” phát đi các văn bản, cảnh báo, khuyến cáo về những nguy cơ lây lan trong cộng đồng, nâng cao hiểu biết, nhận thức của Nhân dân để phòng, tránh dịch bệnh hiệu quả.
Trung úy Điểu Vương, nhân viên vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Lộc An là người được chỉ huy đơn vị tin tưởng, giao phó trách nhiệm sử dụng “loa Biên phòng” để truyền tải các nội dung phòng dịch đến với Nhân dân. Bởi anh không chỉ là cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là người ở địa phương. “Trên địa bàn xã không có nơi nào mình không biết. Mình kết hợp mở loa đi khắp các ngõ thôn ấp để cho bà con nghe, vừa kết hợp dùng tiếng S’tiêng và tờ rơi để giải thích hướng dẫn cho Nhân dân cụ thể từng nội dung trong phòng, chống dịch bệnh” – anh Vương cho hay.
Mô hình “Tiếng loa Biên phòng” khá đơn giản và tiết kiệm, song lại phát huy được tối đa hiệu quả đối với nơi có địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, hệ thống loa truyền thanh xã không đáp ứng được nhu cầu. Chỉ với một chiếc “loa kẹo kéo”, một chiếc USB có sẵn các nội dung và xe moto 2 bánh là có thể đưa nội dung tuyên truyền đến được với tất cả mọi người, ở mọi nơi và trong mọi thời điểm.
Bà Thị Bu ở ấp 54, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước nói: “Mình già rồi, cũng được mọi người phát tờ rơi nhưng chữ nghĩa kém nên đâu hiểu được. Ngày nào các chú bộ đội Biên phòng cũng đưa loa đọc cho dân mình nghe nên mình biết đến sự nguy hiểm của bệnh dịch này. Các chú bộ đội phát cho khẩu trang với nước rửa tay nên mình với gia đình cũng đeo khẩu trang cả ngày và rửa tay thường xuyên”.
Bên cạnh sử dụng “Tiếng loa Biên phòng” đồn biên phòng Lộc An cử cán bộ tăng cường về địa bàn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhân dân, đặc biệt là người già và trẻ em thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, ăn chín, uống sôi, dọn dẹp, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, không tiếp xúc với động vật hoang dã và phát khẩu trang cho Nhân dân. Đến nay đơn vị phát được hơn 2.000 tờ rơi tuyên truyền, gần 1000 khẩu trang vải kháng khuẩn, 150 chai nước rửa tay cho Nhân dân trên địa bàn. Đồn Biên phòng Lộc An thành lập 6 điểm chốt chốt chặn trên đoạn biên giới được giao quản lý, bảo vệ nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm quy chế biên giới.
Rất nhiều các biện pháp được Đồn Biên phòng Lộc An triển khai vì mục tiêu chung tay ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.