Báo cáo trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024.
Cơ bản xử lý xong 12 dự án thua lỗ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kinh tế - xã hội tục xu hướng tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước thấp hơn giới hạn quy định.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần theo từng tháng, bình quân 10 tháng tăng 3,78%. Thu ngân sách ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,8%, xuất siêu 23,3 tỷ USD.
Báo cáo trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024. Ảnh: Quốc hội
Chính phủ đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi; chuyển giao bắt buộc xong hai ngân hàng yếu kém. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão Yagi được triển khai kịp thời.
Trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý 4 đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%.
Qua đó, đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021-2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng.
29 đơn vị giải ngân dưới mức trung bình cả nước
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh đây là một trong những động lực tăng trưởng nên Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, việc giải ngân còn chậm, 10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%. Thủ tướng thống kê có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo, vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là các dự án ODA.
Bên cạnh đó có nguyên nhân do thiếu nguồn cung ứng vật liệu; công tác chuẩn bị dự án chưa tốt; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò người đứng đầu.
6 nhóm giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh 6 nhóm giải pháp chủ yếu.
Một là đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý ngay trong kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập thủ tục đất đai, nguồn cung vật liệu…
Hai là có giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư cho người dân trên tinh thần chỗ ở mới phải ít nhất bằng chỗ ở cũ.
Ba là chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bảo đảm khả thi hơn, hiệu quả hơn; kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
Bốn là đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Năm là tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần “5 rõ”; xử lý nghiêm các vi phạm.
Sáu là nâng cao hiệu quả của các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng và hoạt động giám sát của các đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tại các địa phương…
Tăng cường thanh tra tài sản công, đất đai, khoáng sản
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra hạn chế khi việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số dự án còn chưa nghiêm; sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm; tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm được khắc phục.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà; việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm chi phí thường xuyên, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm…
Chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại này, Thủ tướng cho biết tới đây sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên.
Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém.
Đề xuất khởi động lại dự án điện hạt nhân
Báo cáo về bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa.
Vì thế, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao.
Tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng; tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện.
Rà soát tháo gỡ các dự án điện tái tạo đã đầu tư có vướng mắc pháp lý và bảo đảm định giá đúng, đủ, hợp lý để khuyến khích phát triển các nguồn điện cũng là nhiệm vụ quan trọng Chính phủ hướng tới, bên cạnh việc đảm bảo đủ hạ tầng, nhiên liệu cho sản xuất điện.
Về dài hạn, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...
Chính phủ cũng đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.
Phương Vy