Tháng 1 năm nay, hai chuyên gia Edward Middleton và Tiffany Wong thuộc công ty Alvarez & Marsal được chỉ định làm nhiệm vụ thanh lý tài sản công ty mẹ của Evergrande niêm yết tại thị trường Hồng Kông.
Sau đó, hai chuyên gia này bắt đầu nắm quyền kiểm soát đối với thực thể ở nước ngoài đã mua chiếc máy bay của ông Hứa, đồng thời rao bán chiếc máy bay - nguồn thạo tin tiết lộ với tờ báo Financial Times.
Chiếc máy bay tư nhân nói trên là một biến thể của chiếc Airbus A319, có kích thước bằng một máy bay thương mại. Hiện phi cơ này đang nằm ở thành phố Quảng Châu - theo nguồn tin.
Sở hữu chiếc máy bay là một trong những dấu ấn của khối tài sản khổng lồ mà ông Hứa từng tích lũy được. Doanh nhân bất động sản này đã trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc trong những năm phát triển bùng nổ của Evergrande, được coi là đại diện cho một thế hệ các nhà tài phiệt mới của Trung Quốc.
Việc các chuyên gia thanh lý tài sản rao bán máy bay riêng của ông Hứa là một “bài kiểm tra” về khả năng thực thi quyền sở hữu tài sản của họ ở Trung Quốc đại lục - nơi có hệ thống pháp luật khác với luật pháp ở Hồng Kông, nơi họ được bổ nhiệm để làm công việc này.
Nếu thành công, nỗ lực bán tài sản này sẽ đánh dấu một bước tiến ban đầu của các nhà thanh lý trong việc hoàn tiền cho các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm số trái phiếu Evergrande trị giá hơn 20 tỷ USD. Sau khi công ty địa ốc khổng lồ này vỡ nợ vào năm 2021, số trái phiếu này hiện tại được coi gần như “giấy lộn”.
Từng là công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Evergrande có tổng nghĩa vụ nợ lên tới hơn 300 tỷ USD tại thời điểm vỡ nợ, kéo theo một thời kỳ thắt chặt thanh khoản kéo dài trên toàn bộ thị trường bất động sản Trung Quốc.
Ngoài chiếc máy bay nói trên, ông Hứa còn mua nhiều dinh thự ở London, Sydney và Hồng Kông, chưa kể một siêu du thuyền dài 60 mét và một đội bóng đá có tên Guangzhou Evergrande. Năm 2017, ông đứng đầu danh sách người giàu Trung Quốc của tỷ phú Forbes, với giá trị tài sản ròng gần 43 tỷ USD.
Tháng 1 năm nay, một thẩm phán Hồng Kông đã ra lệnh đóng cửa công ty mẹ của Evergrande tại vùng lãnh thổ này - nơi công ty đã niêm yết cổ phiếu từ năm 2009. Năm ngoái, Evergrande cho biết ông Hứa đã bị nhà chức trách áp dụng “các biện pháp bắt buộc” vì bị tình nghi có liên quan đến “hành vi hợp pháp”.
Ông Jason Liao, Chủ tịch công ty China Business Aviation Group, cho biết chiếc máy bay tư nhân của ông Hứa đã hoạt động 14 năm và cần được sửa chữa và bảo trì. Ông Liao cũng cho biết chiếc máy bay này “lớn hơn và tốn tiền vận hành hơn” so với nhiều dòng máy bay tư nhân khác, đồng thời ước tính chiếc máy bay hiện có giá trị khoảng 25-30 triệu USD, so với khoảng 90 triệu USD khi còn mới.
Các quỹ đầu tư được quản lý bởi BlackRock và HSBC nằm trong danh sách những nhà đầu tư trái phiếu Evergrande hứng chịu thiệt hại khi công ty này vỡ nợ vào năm 2021.
Các nhà thanh lý cũng đang cố gắng thu hồi tài sản cho nhà đầu bằng cách khởi kiện các nhà điều hành cấp cao của Evergrande và các công ty tư vấn và kiểm toán toàn cầu đã giúp sức cho Evergrande tăng trưởng nhanh chóng thông qua tiếp cận nguồn vốn nước ngoài. Họ đã tiến hành các thủ tục tố tụng tại tòa án nhằm vào công ty kiểm toán PwC, công ty dịch vụ bất động sản thương mại CBRE, và nhóm tư vấn Avista Valuation Advisory.
Trong một vụ kiện khác, các nhà thanh lý tài sản đang cố gắng đòi lại 6 tỷ USD từ ông Hứa và các nhà điều hành cấp cao khác của Evergrande. Hồi tháng 3, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cáo buộc ông Hứa và công ty con tại đại lục của Evergrande thổi phồng doanh thu thêm 78 tỷ USD trong các năm 2019 và 2020.
Chiếc máy bay nói trên là một trong ba máy bay phản lực tư nhân được liệt kê trong danh sách tài sản ông Hứa trong hồ sơ tòa án từ hồi tháng 3 năm nay. Hồ sơ cho thấy ông Hứa còn sở hữu một chiếc Airbus A330 và một máy bay phản lực Gulfstream G450, cùng hai du thuyền và hai xe siêu sang Rolls-Royce Phantoms.
Anh Mai