Tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”
Chiến tranh đi qua, biết bao nhiêu lớp lớp thanh niên đã ngã xuống, họ đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc tự do, đất nước nở hoa độc lập. Họ ngã xuống và mãi mãi tuổi đôi mươi. Tuổi đầy khát khao, hoài bão. Các anh đã ngã xuống để Tổ quốc được bay lên…
Xin nhắc lại những con số. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, cả nước có hơn 1,1 triệu liệt sĩ hy sinh. Hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, thi thể các anh, các chị còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia… Cả nước có trên 9.000.000 người có công; 127.000 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng có chồng, con hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; trên 13.000 Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động; gần 800.000 thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh…! Chúng ta đời đời biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh anh dũng để đất nước thống nhất, độc lập, tự do như ngày hôm nay.
Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ
Bởi vậy, cứ mỗi độ tháng Bảy về, nghe lời bài hát: "... Có người lính ra đi từ đó không về", lòng ta lại rưng rưng bao cảm xúc. Vì Tổ quốc, vì Nhân dân, rất nhiều người con của dân tộc đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường. Họ sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Như Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã từng viết: "Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng ...".
Những hình ảnh cao đẹp đó mãi mãi không quên và không được phép lãng quên…
Tháng 7 về trong niềm rưng rưng, xúc động. Từ khắp các nghĩa trang đến đài tưởng niệm liệt sĩ, từ các trại điều dưỡng thương binh đến mỗi gia đình, đâu đâu cũng đón những cuộc trở về, những hành động tri ân đầy ý nghĩa. Những tình cảm của Nhân dân trên mọi miền đất nước đang làm ấm lòng các gia đình thương binh, liệt sĩ, động viên thân nhân, gia đình chính sách để họ vơi bớt đau thương, mất mát. Những hoạt động “uống nước, nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” đang diễn ra như môt lời tri ân tháng bảy…
Thiếu tướng Đỗ Văn Bảnh, Phó Chính ủy Quân khu 7 tặng quà cho gia đình chính sách tại Bình Thuận
Tháng 7 linh thiêng. Từ bắc vào nam, từ Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, địa đạo Củ Chi, Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh..., những địa danh lịch sử, những nghĩa trang liệt sĩ tấp nập những đoàn người thăm viếng. Hương và hoa hòa quyện, lan tỏa trong chốn linh thiêng như nghĩa cử tri ân thành tâm của bao người. Khắp mọi miền đất nước, hàng triệu ngọn nến, hàng triệu nén tâm nhang được thắp lên, lung linh, huyền ảo trên khắp các nghĩa trang liệt sĩ, như là sự tri ân, là nỗi nhớ thương và biết ơn của hậu thế đang cháy đỏ. Những nén tâm nhanh như có sức lan tỏa mạnh mẽ, đánh thức những xúc cảm thiêng liêng, trân quí của từng nhịp tim hướng về những con người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Và trong chiều 27-7 hôm nay, tại Tp.HCM, trong cuộc gặp mặt các Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Bộ quốc phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xúc động đọc hai câu thơ trong bài thơ “Sao chiến thắng” của Nhà thơ Chế Lan Viên, khẳng định về lý tưởng, sự hy sinh và dâng hiến của các Anh hùng Liệt sĩ của dân tộc: “Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết - Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi đại diện các Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ
Thủ tướng khẳng định, trong những ngày này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ và tri ân các bậc cách mạng tiền bối, các Anh hùng Liệt sĩ, các thương, bệnh binh và người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh quên mình vì độc lập, tự do và sự phồn vinh của Tổ quốc. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương. Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao cho các đội nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của các đơn vị quân đội trên địa bàn của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Với hàng trăm ngàn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, đây là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng đầy vinh quang và thiêng liêng.
“Chúng ta đã đang và sẽ tiếp tục hành trình này bằng trái tim nhân ái, tấm lòng nhiệt huyết và đức hy sinh. Chúng ta làm việc này để xoa dịu nỗi đau cho thân nhân các liệt sĩ… Chúng ta sẽ hành động vì những bà mẹ “ba lần tiễn con đi - hai lần khóc thầm lặng lẽ - các anh không về - mình mẹ lặng im”, vì những người vợ ngóng chồng, con ngóng cha… Chúng ta hành động vì đồng đội của các anh còn: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ - Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, Thủ tướng xúc động.
Và tháng 7 này trên đất miền Đông, Nghĩa trang liệt sĩ Long An, Nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai… lung linh cờ hoa, trang trọng đón các liệt sĩ trở về sau bao năm tìm kiếm, qui tập. Bao năm mưa nắng, lạnh lẽo trên xứ người, giờ đây các anh đã trở về với đồng đội, với đất mẹ yêu thương. Tổ quốc vinh danh, đời đời ghi nhớ các anh!
Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7 và Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7 tặng quà động viên các Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Tháng 7 ở lại, nhưng sự linh thiêng, tri ân luôn kết nối, lan tỏa. Và những nghĩa cử để tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh... vẫn đang tiếp tục. Đó cũng cũng chính là tình cảm, trách nhiệm và lẽ sống của mỗi chúng ta hôm nay và mai sau như lời khẳng định của Thủ tướng: “Hôm nay là ngày giỗ của hàng triệu những người con đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của đất nước. Chúng ta sẽ tiếp tục hành trình này bằng trái tim và tấm lòng thành kính nhất để đời đời biết ơn các Anh hùng Liệt sĩ”.