Đêm, quạt máy liên tục quay vù vù nhưng ai cũng túa mồ hôi. Nóng vì doanh trại - nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ của những người lính Tiểu đoàn 278 - Lữ đoàn công binh 25 làm từ gỗ, sắt và tôn kín mít như những hộp diêm.
"Đơn vị đảm nhiệm xây dựng công trình nên di chuyển liên tục. Mỗi nơi ở 3 tháng, 6 tháng, cũng có khi vài năm, công trình này xong anh em lại đi công trình khác", đại úy Nguyễn Tiến Công, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 278 lý giải.
Thượng tá Nguyễn Thành Nghị - Phó chính ủy Lữ đoàn công binh 25 - là người đã sống cuộc sống "ăn dầm nằm dề" đó mười mấy năm nay. Anh nói: "Du mục họ đi theo đàn cừu, đàn dê từ thảo nguyên này đến thảo nguyên khác. Công binh mình cũng vậy, theo công trình lang thang hết chỗ này đến chỗ khác".
Đã trải qua đủ mọi nhiệm vụ, với Thượng tá Nghị, nặng nề nhất là xây dựng công trình ở biên giới, hải đảo.
"Nhu cầu xây dựng các công trình phòng thủ số lượng lớn, mà biên chế thời bình lại có hạn nên anh em làm liên tục. Có đơn vị như Tiểu đoàn 739 đi xây dựng công trình hết ở biên giới lại về rừng rú, 25 năm nay chưa một ngày được về công tác tại cứ cơ bản, anh Nghị kể.
Những người lính công binh đều như vậy, vì nhiệm vụ mà triền miên xa nhà. Có người cưới vợ gần nơi đơn vị thi công công trình, nhưng chỉ được 1-2 năm, lâu nhất cũng chỉ 3 năm, vì công trình xong là lại đi.
Những câu chuyện như của đại úy Nguyễn Tiến Công, một người lính quê Thái Bình, thực ra là bình thường với lính Công binh: "Cháu thứ hai mới sinh hồi Tết. Lúc đó mình đang ở đảo Phú Qúy (Bình Thuận) không về được. Cháu lớn năm nay học lớp 4, lúc vợ mình sinh nó mình đang cùng anh em làm đường tuần tra biên giới ở Bù Đốp (Bình Phước), cũng đâu có về được. Mình chỉ biết động viên vợ, mỗi lần về gắng dành thời gian cho vợ con nhiều hơn".
Hi sinh trong thời bình
Người lính "mồ hôi bạc vai áo/da sạm đen nắng trời" (lời bài hát Lính công binh miền Đông - tác giả Quỳnh Hợp) có đôi tay thô ráp, xù xì vì cầm cuốc xẻng, khuân vác cát, xi măng... Những ngày này, những người lính ấy của Tiểu đoàn 278 đang chia lực lượng thực hiện các công trình ở nhiều địa bàn khác nhau, trong đó có đảo Hòn Tranh (huyện đảo Phú Qúy, Bình Thuận).
"Các tháng cuối năm là mùa gió chướng, biển động, tàu chở vật liệu không vào sát được, phải đậu cách đảo 20-30m. Anh em phải bơi ra để vác từng khối cát, từng bao xi măng vào bờ. Máy móc chỉ hỗ trợ phần nào, cơ bản dùng sức người cả", đại úy Nguyễn Tiến Công kể.
Từ Biên Hòa phải qua một lần xe và hai lần tàu ra đảo Phú Qúy rồi từ đó ra đảo Hòn Tranh. Để đi chợ ở đây, các chiến sĩ phải dậy từ 4h sáng, đi tàu vào đảo Phú Quý, mua thức ăn một lần cho hai ngày. Nước ăn thì bộ đội hứng từ nước mưa. Mùa khô thì dùng nước giếng, lợ lợ mặn mặn vẫn phải cố gắng dùng.
An toàn trong thi công là yêu cầu hàng đầu của lính công binh nhưng cũng không thể tránh khỏi những sự cố ngoài ý muốn.
Trung tá Phạm Thanh Xuyền - Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 25 - nhớ lại: "Lần đó đơn vị làm công trình ở Lâm Đồng, địa chất là đất đỏ bazan lẫn đá mồ côi, tôi thấy nhiều hạt đất nhỏ rơi rớt trên nóc hầm và lòng đất có sự chuyển động khác lạ. Bằng kinh nghiệm và cảm nhận, tôi hô lớn để anh em chạy. Người cuối cùng vừa chạy ra thì từng khối đất đá nặng hàng tấn đổ ập xuống. Sau đó cả đơn vị lại tập trung cả tháng trời để khắc phục…"
Cũng có lần có người bị thương, bộ đội hoang mang, dao động, bỏ dụng cụ. "Tất cả chỉ huy quyết định xắn tay vào làm. Anh em đứng ngoài thấy an toàn lại tiếp tục làm việc", thượng tá Nguyễn Thành Nghị kể.
Lữ đoàn công binh 25 - Quân khu 7 đã trực tiếp ứng cứu trong nhiều sự cố lớn: sà lan đâm hỏng cầu Bến Lức năm 2000, bão Durian ở Vũng Tàu năm 2006, sập hầm thủy điện Đạ Dâng năm 2014...
Trong lần khắc phục sự cố ở cầu Bến Lức, Lữ đoàn 25 đã cử tiểu đoàn vượt sông gồm 120 người, 52 đầu máy các loại, hành quân xuống Long An để lắp ghép cầu phao nổi dài 145m.
Sau 20 ngày, tiểu đoàn này đã đảm bảo cho 2.250 lượt xe qua cầu phao an toàn. Các chiến sĩ công binh đã đón tết Canh Thìn ngay tại hiện trường.