Ảnh minh họa.
Tại buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn CRCC có thể chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao cách thức xây dựng doanh nghiệp Nhà nước, mô hình vận hành, nắm bắt tiến bộ khoa học công nghệ và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, CCRC có thể hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp của Việt Nam để triển khai một số công trình kết nối giao thông thông minh giữa Việt Nam, Trung Quốc như hình mẫu về hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Đáp lời Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch CRCC Dai He Gen bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn để triển khai các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Ngoài Dự án hiện đại hóa cải tạo thông tin tín hiệu đường sắt Việt Nam, cung cấp vật tư đường sắt và Viện thiết kế 5 của CRCC tham gia lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… chủ tịch CRCC cũng mong muốn mở rộng sang lĩnh vực xây dựng cảng biển, sân bay, phát triển năng lượng xanh, với các công nghệ mới, vật liệu mới thân thiện với môi trường.
Được biết, CRCC tiền thân là Quân đoàn Kỹ thuật đường sắt, là một trong những tập đoàn xây dựng tổng hợp mạnh, xếp thứ 42 trong Fortune Global 500 (bảng xếp hạng hàng năm của 500 công ty, tập đoàn hàng đầu trên toàn thế giới tính theo doanh số), thứ 3 trong số 250 nhà thầu toàn cầu hàng đầu của ENR và thứ 12 trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc vào năm 2021. Trong những năm 1960, Quân đoàn Kỹ thuật đường sắt tham gia xây dựng đường sắt giúp Việt Nam.
Hiện CRCC đang hoạt động tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. CRCC đã thiết kế và xây dựng hơn 50% đường sắt tốc độ cao và đường sắt tốc độ thường của Trung Quốc, hơn 40% tuyến đường sắt đô thị và 30% đường bộ cao tốc.
Bảo Minh