Vừa qua, thông tin các doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) gửi hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng này nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ đang gây ra nhiều tranh cãi.
Các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép đang phản đối gay gắt động thái này bởi thép HRC nhập khẩu là một phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất của họ trong bối cảnh nguồn cung trong nước vẫn có thiếu hụt nhiều.
Nhu cầu thép HRC tại Việt Nam được ước tính khoảng 10 - 13 triệu tấn/năm nhưng sản lượng HRC trong nước tối đa khoảng 8 triệu tấn. Hiện mới chỉ có 2 doanh nghiệp là Hoà Phát và Formosa sản xuất được loại thép này.
Biên lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen có thể cải thiện đáng kể trong năm 2024 nhờ nguồn nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) thống kê, các tháng gần đây, nhập khẩu thép (đặc biệt là thép cán nóng HRC) từ Trung Quốc tăng mạnh do thị trường thép Trung Quốc đang trong tình trạng ảm đạm.
Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép đã lên mức 1,8 triệu tấn, tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là thép cán nóng giá rẻ.
Được biết, HRC là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.
Thép cán nóng là nguyên liệu sản xuất chính của các doanh nghiệp ngành tôn mạ. TPS đánh giá, nhờ nguồn nguyên liệu HRC giá rẻ nói trên, biên lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) sẽ được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, TPS kỳ vọng biên lợi nhuận của Hoa Sen tăng 6,5% so với cùng kỳ, qua đó tăng 24,6% lợi nhuận gộp.
Hiện tại, Hoa Sen là nhà sản xuất tôn mạ hàng đầu tại Việt Nam, nắm giữ hơn 30% thị phần tôn mạ và 20% thị phần ống thép cả nước với hệ thống 10 nhà máy sản xuất gia công, cho ra thị trường các sản phẩm tôn mạ, ống thép, ống nhựa và các phụ kiện.
Tại Đại hội cổ đông thường niên mới đây, dự báo về tình hình năm 2024, ban lãnh đạo Hoa Sen nhận định thị trường vẫn tiềm ẩn rất nhiều bất ổn, khó lường có thể gây tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Chính vì vậy, doanh nghiệp này đặt kế hoạch kinh doanh niên độ tài chính 2024 (từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024) theo 2 phương án, cụ thể:
Kịch bản 1, sản lượng tiêu thụ đạt hơn 1,6 triệu tấn; doanh thu thuần 34.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng.
Kịch bản 2, sản lượng tiêu thụ đạt hơn 1,7 triệu tấn; doanh thu thuần 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng.
Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh niên độ tài chính 2023 - 2024 theo 2 phương án. Nguồn HSG
Đáng chú ý, trong chiến lược đến năm 2029, Hoa Sen xem xét mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang các lĩnh vực như: Tài chính, ngân hàng; chứng khoán; bảo hiểm; bất động sản; cơ khí (chính xác và chế tạo); công nghệ bán dẫn; bất động sản (văn phòng, nhà ở, khu dân cư, đô thị); giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; đầu tư tài chính; M&A; văn hóa; nghệ thuật, biểu diễn, tổ chức sự kiện…
Tổng mức đầu tư tối đa cho các ngành nghề mở rộng không quá 5.000 tỷ đồng.
Trước đó, Hoa Sen đã thông qua việc thành lập Công ty CP Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Hoa Sen sẽ sở hữu 40% vốn điều lệ, còn lại 60% là các cổ đông sáng lập khác.
Công ty mới thành lập sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000 - 3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.
“Sau khi góp vốn thành lập công ty mới, nếu tình hình diễn biến thị trường thay đổi hoặc tập đoàn có nhu cầu thu hồi vốn đầu tư thì Hoa Sen sẽ chuyển nhượng lại phần vốn góp của mình cho các cổ đông hiện hữu của CTCP Hoa Sen Sài Gòn, với giá trị chuyển nhượng bằng giá trị ban đầu cộng với khoản lãi tính theo lãi suất bình quân liên ngân hàng tại thời điểm chuyển nhượng", Hoa Sen cho biết.
Thúy Hà