Sáng 14-9, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức Tọa đàm về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 7 chương, 46 điều.
Mục đích của dự án luật nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Cần thiết phải ban hành Luật Quốc phòng (sửa đổi)
Tại tọa đàm các đại biểu đều nhấn mạnh tới sự cần thiết phải ban hành Luật Quốc phòng (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, Luật Quốc phòng năm 2005, sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng; nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Nêu rõ những bất cập của Luật Quốc phòng hiện hành, một số ý kiến cho rằng, Luật Quốc phòng hiện hành quy định chưa đầy đủ, trong đó có vấn đề quản lý Nhà nước về biên giới quốc gia; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, các cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và thềm lục địa của nước ta theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng trên phạm vi cả nước đã bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, bất cập, nổi bật là: Việc quản lý điều hành và tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, mô hình, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, hệ thống phòng thủ quân khu chưa được quy định rõ; nhiệm vụ, mô hình xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định chưa đầy đủ. Tiềm lực quốc phòng, an ninh chưa tương xứng với sự phát triển của đất nước và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công tác xây dựng quy hoạch kế hoạch phát triển công nghiệp, khoa học và công nghệ quốc gia, huy động công nghiệp dân sinh cho quốc phòng chưa được coi trọng, chưa có chiến lược, cơ chế, chính sách đầy đủ để phát triển mạnh công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, chưa đáp ứng yêu cầu vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang đối phó thắng lợi với các hình thái chiến tranh công nghệ cao trong tương lai.
Cùng với đó, có ý kiến cho rằng, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới, những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và việc sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện từ, tác chiến không gian mạng, an ninh phi truyền thống, sẽ được sử dụng là chủ yếu, ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh. Nhằm chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược nếu xảy ra, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quốc phòng tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc phòng và an ninh
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cũng đồng tình với quy định Hội đồng quốc phòng và an ninh có cơ quan thường trực giúp việc, theo hướng "Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc phòng và an ninh; thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cơ quan thường trực do Hội đồng quốc phòng và an ninh quy định”. Bởi các ý kiến cho rằng, theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Bộ Quốc phòng có chức năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước về đường lối, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự; giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về quốc phòng; tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật còn chung chung và đề nghị cần quy định cụ thể hơn về nội dung xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm nguồn lực tài chính, bảo đảm tài sản phục vụ quốc phòng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, tổ chức... nhằm bảo đảm khả năng huy động sức mạnh và chỉ huy thống nhất để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Vũ Dung