Là một trong những chiếc nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT), lại có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề truyền thống cùng các lễ hội, Long An có ưu thế trong việc quảng bá văn hóa. Khi những giá trị văn hóa của đất và người Long An được quảng bá sẽ tạo điểm nhấn thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch,...
Đưa văn hóa phi vật thể đến với nhiều người
“Long An có nhiều giá trị văn hóa nên trong quảng bá, chỉ chọn một vài nét ưu thế để tạo điểm nhấn, ấn tượng đẹp với nhiều người. Các chương trình quảng bá văn hóa góp phần tạo đà thu hút, xúc tiến phát triển du lịch của tỉnh” - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Tâm khẳng định.
Một trong những ưu thế của Long An trong chương trình quảng bá văn hóa là những di sản văn hóa phi vật thể mà trước tiên phải kể đến nghệ thuật ĐCTT. Tháng 02/2014, trong Lễ đón nhận Bằng ghi danh nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (Unesco) trao tặng tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM, 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ cũng vinh dự nhận Bằng ghi danh vì có công đóng góp trong sự hình thành, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, trong đó có Long An. Từ đó, Long An được biết đến là một trong những chiếc nôi của loại hình nghệ thuật này.
Quảng bá văn hóa của Long An chủ yếu thực hiện lồng ghép vào hoạt động lễ hội, tham gia các chương trình biểu diễn đờn ca tài tử; qua đó, tạo điểm nhấn thu hút phát triển du lịch
Nhắc đến ĐCTT, nhiều người thường nói: “Nhất Bạc Liêu, nhì Cần Đước”. Và để khẳng định “thương hiệu” này đối với nghệ thuật ĐCTT, Long An ra sức giữ gìn, bảo tồn, phát huy. Tuy nhiên, không bó hẹp trong tỉnh, Long An còn mang nghệ thuật ĐCTT giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong và ngoài nước. “Đó là những lần Ban ĐCTT tỉnh tham gia liên hoan và festival nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tại các tỉnh: Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bình Dương, Kiên Giang,... Tham gia những chương trình này cũng là hình thức Long An quảng bá văn hóa đến nhiều người, vì trong các buổi biểu diễn ĐCTT đều thu hút nhiều người xem, trong đó có khán giả người nước ngoài” - ông Nguyễn Văn Tâm cho biết.
Ngoài ĐCTT, Long An hiện có hơn 400 lễ hội, tế lễ với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, chủ yếu diễn ra từ cuối tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch hàng năm, trong đó có 3 lễ hội lớn được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành; Lễ hội Vía bà Ngũ hành Long Thượng ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc và Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây ở xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ. Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy thông tin: “Những hình ảnh, nét đẹp lễ hội được quảng bá, giới thiệu rộng rãi bằng nhiều hình thức. Đó là những thông tin về thời gian, địa điểm và ý nghĩa lễ hội được ghi đầy đủ trong tờ thông tin du lịch của tỉnh. Hàng năm, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh đều phát tận tay người dự lễ hội nhằm quảng bá di sản phi vật thể cấp quốc gia này. Trên trang web du lịch Long An cũng có những bài viết giới thiệu về 3 lễ hội lớn của tỉnh nên nhiều người đọc, truyền miệng và cùng nhau về Long An đi lễ hội tháng Giêng. Long An là một trong những tỉnh được đánh giá tốt về công tác quản lý lễ hội, không xảy ra hiện tượng mê tín, tranh lộc, buôn thần bán thánh như một số nơi khác nên tạo ấn tượng cho du khách về một mùa lễ hội đẹp, văn minh. Vì thế, lượng khách đến với lễ hội ngày càng nhiều. Hàng năm, có hơn 40.000 lượt khách tìm đến 3 lễ hội lớn”.
Từ những di sản văn hóa phi vật thể ấy, việc quảng bá văn hóa của Long An chủ yếu thực hiện lồng ghép vào hoạt động lễ hội, tham gia các chương trình biểu diễn ĐCTT trong và ngoài tỉnh như thế!
Tạo điểm nhấn đầu tư, xúc tiến du lịch
Di sản văn hóa phi vật thể khi được quảng bá tạo điểm nhấn kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch. Vốn có tài nguyên du lịch phong phú, trong đó, tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt, tiêu biểu là cảnh quan và đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười; cảnh quan sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây khi kết hợp di sản ĐCTT sẽ hình thành sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn hấp dẫn. Đây cũng là thế mạnh để nhà đầu tư đến với Long An khai thác, phát triển du lịch.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện tại, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, đang được Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười (thuộc Tập đoàn Bất động sản Trần Thái) đầu tư gần 325 tỉ đồng khai thác thành Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập phục vụ khách tham quan. Khu du lịch này đang trong giai đoạn cải tạo và đầu tư thêm nhưng thu hút rất đông du khách, có hàng ngàn lượt người tìm đến vào dịp lễ, tết. Dự kiến, điểm du lịch này hoàn chỉnh vào quí IV-2020. Ngoài ra, Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười cũng đầu tư thực hiện dự án Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Láng Sen từ tháng 3/2017 đến 5/2020 với nhiều hạng mục: Khu cắm trại dã ngoại ngoài trời; khu mô hình làng nghề; công viên vườn hoa, hồ cảnh quan,... Những điểm du lịch sinh thái này kết hợp di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ của Long An sẽ hình thành những tour, tuyến du lịch hấp dẫn.
Tuy nhiên, quảng bá văn hóa để thu hút đầu tư phát triển du lịch phải đi đôi với hoạt động xúc tiến. “Trong Năm Du lịch Quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Long An hưởng ứng bằng Lễ hội Làm Chay và Liên hoan ĐCTT Nam bộ tại đình Vạn Phước. Qua đó, nhằm quảng bá những đặc trưng có thể phát triển du lịch tâm linh hoặc kết hợp ĐCTT vào phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, trong quảng bá, xúc tiến, Long An còn thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch với một số tỉnh thuộc cụm phía Đông vùng ĐBSCL: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Đồng Tháp từ năm 2015,... Bên cạnh đó, Long An cùng 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và Hà Nội cũng ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 với tinh thần “Mười bốn tỉnh, thành phố - Một điểm đến””- Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Trần Văn Hững chia sẻ.
Trong quá trình liên kết, các tỉnh thuộc cụm phía Đông vùng ĐBSCL chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các hoạt động: Gian hàng triển lãm trong Ngày hội Du lịch TP.HCM; Hội chợ Du lịch Quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, Festival Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Đó là kênh vừa xúc tiến, quảng bá du lịch, vừa quảng bá văn hóa, là cầu nối đưa những nét văn hóa truyền thống, những điểm du lịch và đặc trưng ẩm thực của Long An đến các tỉnh và ngược lại.
Có thể nói, quảng bá văn hóa và xúc tiến, đầu tư phát triển du lịch tác động hỗ trợ lẫn nhau, trong đó, quảng bá văn hóa tạo điểm nhấn góp phần đưa du lịch Long An cất cánh. Văn hóa phi vật thể, những loại đặc sản địa phương cùng các truyền thống văn hóa khác của tỉnh được giới thiệu, quảng bá là lời mời gọi, xúc tiến đầu tư phát triển ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh./.
Nguồn: baolongan.vn