Sáng 29-6, tại Khách sạn Manila, Thủ đô Manila, Philippines, Hội nghị Chính sách An ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC) đã được nhóm họp với sự tham gia của 24/27 quốc gia thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
ASPC là diễn đàn cấp cao thuộc kênh hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ARF. Tham gia ASPC là Thứ trưởng Quốc phòng, Thư ký thường trực Bộ Quốc phòng và quan chức quốc phòng cấp cao của các nước thành viên ARF.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này do Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Hội nghị ASPC năm nay được chia thành ba Phiên thảo luận, bao gồm: Phiên 1: Chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới, khu vực; Phiên 2: Phát triển lực lượng dự bị; Phiên 3: Đánh giá về cấu trúc an ninh khu vực.
Trong Phiên thảo luận đầu tiên, các nước dành thời gian trao đổi và chia sẻ quan điểm của Bộ Quốc phòng nước mình về tình hình thế giới khu vực và thế giới trong thời gian vừa qua. Một số vấn đề nổi lên hiện nay bao gồm tình hình căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên, mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và tranh chấp tại Biển Đông. Các đại biểu tham dự Hội nghị đều khẳng định để có thể ứng phó một cách hiệu quả những thách thức an ninh có tính chất xuyên quốc gia này, các nước trong khu vực cần phải thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác thực chất trên cơ sở tham gia tích cực, chủ động vào các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt như ADMM+, ARF và EAS (Thượng đỉnh Đông Á). Nhiều tham luận tại Hội nghị cho rằng vấn đề an ninh biển nói chung và tranh chấp tại Biển Đông nói riêng là thách thức an ninh chung tại khu vực, kêu gọi các bên liên quan giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, các cam kết khu vực như DOC và hướng tới COC.
Phát biểu tại Phiên thảo luận thứ nhất, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh đánh giá, tình hình khu vực hiện nay về tổng thể vẫn duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, mặc dù vậy vẫn tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và tiềm ẩn những yếu tố, nguy cơ khó lường như tình hình tại Đông Bắc Á, tình hình nội bộ của một số nước, thiên tai, cướp biển, khủng bố, tranh chấp tại Biển Đông... Đánh giá về các thách thức an ninh mà khu vực đang phải đối mặt, Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng: (1) Về vấn đề Biển Đông, đây là vấn đề phức tạp, gây quan ngại sâu sắc đối với ASEAN và cộng đồng quốc tế, khẳng định quan điểm của Việt Nam là giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hoàn thành COC. (2) Về nạn cướp biển tại khu vực, Việt Nam kêu coi các nước cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ nỗ lực chống cướp biển thông qua các cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và tuần tra liên hợp để ứng phó hiệu quả với vấn nạn này. (3) Về chủ nghĩa khủng bố: Việt Nam chia sẻ mối quan ngại của các nước trước sự gia tăng nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ để chung tay xử lý hiệu quả thách thức an ninh này.
Việt Nam đánh giá hợp tác ASEAN trong các cơ chế như ADMM, ADMM+, ARF, EAS tiếp tục thể hiện vai trò trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng an ninh tại khu vực, kiềm chế xung đột và xây dựng lòng tin, đặc biệt sau khi chính thức hoạt động dưới tư cách và tên gọi là Cộng đồng ASEAN. Các nước cần tích cực tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương thực chất và lấy hợp tác song phương chặt chẽ làm cơ sở để nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc phòng - an ninh đa phương.
Tại Phiên thảo luận thứ hai, các nước chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển lực lượng dự bị trong bối cảnh tình hình an ninh có những biến động khó lường, đòi hỏi phải có sự huy động tổng lực của tất cả các lực lượng để ứng phó, trong đó, lực lượng dự bị của quân đội là một thành tố hết sức quan trọng. Khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, đặc biệt khi thảm họa thiên tai xảy ra, việc triển khai các lực lượng dự bị tại chỗ đóng vai trò mấu chốt cho việc đảm bảo cùng với các lực lượng chuyên trách triển khai công tác cứu hộ cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Trong Phiên thảo luận thứ ba, các nước tập trung trao đổi về việc cân nhắc việc cải tiến cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh trong cấu trúc ARF. Trong đó có việc cải tiến hình thức nhóm họp của kênh đối thoại quốc phòng - an ninh trong khuôn khổ ARF. Đồng thời, các nước nghiên cứu đề xuất các ý tưởng hợp tác thực chất hơn nữa, tăng cường kết nối, phối hợp và chia sẻ với các cơ chế hợp tác khác như ADMM+.
Nguồn: qdnd.vn