
Ông Đinh Xuân Sinh (66 tuổi, ngụ 860/26/6 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Phú, quận 7) có nhiều năm gắn bó và là chứng nhân cho sự phát triển của quận 7. Sự phát triển qua những công trình cụ thể, theo ông Sinh, là có thể nhìn thấy, có tác động đến từng khu phố và cuối cùng, mỗi hộ dân, mỗi người dân được thụ hưởng. Ông Sinh dẫn chứng, ngay trước cửa nhà ông, hẻm 860/26 Huỳnh Tấn Phát trước đây chỉ rộng 2m - 3m, mỗi khi trời mưa hay triều cường, hẻm đều ngập đến đầu gối. Đầu năm 2017, hẻm được mở rộng thành 5m, nâng cao 70cm và không còn cảnh người dân bì bõm lội nước mỗi khi mưa gió, triều cường.
“Con hẻm được mở rộng theo quy hoạch và hoàn tất nhanh chóng, chỉ trong vòng 1,5 tháng. Có được điều đó chính là nhờ sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân”, bà Dương Thị Cẩm Hồng, Chủ tịch UBND phường Tân Phú, chia sẻ. Bà Hồng cho biết, 57 hộ dân dọc hai bên con hẻm dài 260m đã đồng thuận hiến đất trị giá khoảng 8 tỷ đồng để làm hẻm. Gia đình ông Đinh Xuân Sinh cùng các gia đình vừa hiến đất, vừa tự xây cất lại hàng rào, sửa sang công trình bị ảnh hưởng. Đặc biệt, gia đình chị Hồ Thị Trần Hoàng Vi ở ngay đầu hẻm đã hiến phần đất rộng 50m2 trị giá 2 tỷ đồng.
Không riêng hẻm 860/26 Huỳnh Tấn Phát, trong năm 2017, quận đồng loạt khởi công nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch 7 hẻm chính khác theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ngoài ra, 192 hẻm khác đã được duy tu nâng cấp trong giai đoạn 2000-2015. Việc đồng loạt mở rộng các hẻm chính đã và đang tạo ra sự thay đổi diện mạo nhiều khu phố. Trước đó, trong hành trình 20 năm qua, quận 7 đã có đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường đô thị lớn và dài nhất TPHCM, xuyên suốt toàn khu vực Nam Sài Gòn; có cầu Phú Mỹ, một trong những cầu dây văng hiện đại nhất thế giới… Cuối năm 2016, trục đường 15B (rộng 40m) đã khánh thành. Với các trục giao thông lớn được đầu tư bài bản, quận 7 hoàn thành vai trò là điểm trung chuyển, kết nối 2 huyện ngoại thành (Nhà Bè và Cần Giờ) với trung tâm TPHCM.
Một trong những thành công nổi bật của quận là phát triển đô thị. Ngay từ khi thành lập quận 7, TPHCM đã có sự đầu tư, phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng - khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của TP và cả nước. Bài học thành công từ Phú Mỹ Hưng lan tỏa ra các đô thị, khu dân cư mới khác. Hiện nay, có 60 dự án đang và sẽ triển khai, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị, tiếp tục giúp quận 7 khoác lên mình màu áo mới. Tại các khu đô thị hiện hữu, quận và 10 phường đã chủ động xây dựng các công viên, tạo không gian để người dân vui chơi, tập thể dục, đi bộ... Chất lượng sống ở các cộng đồng dân cư hiện hữu đang được nâng dần lên, hài hòa với sự phát triển của khu đô thị mới.
Tiếp tục tạo đột phá
UBND quận 7 cho biết, quận đã rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ từ không quá 15 ngày làm việc theo quy định xuống còn không quá 7 ngày; cấp phép điều chỉnh quy hoạch từ không quá 45 ngày còn không quá 30 ngày. Riêng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở lần 1, quận đang cố gắng giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày bằng cách lồng ghép các giải pháp và giảm thời gian “chết” của hồ sơ (thời gian hồ sơ chuyển qua lại giữa các phòng ban). Bà Trịnh Thị Thanh Nga (ngụ 465/1/9 Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7) phấn khởi cho hay, mới đây, bà ghé quận nộp hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng nhà ở. Thời gian giải quyết hồ sơ là 15 ngày và được hẹn trả giấy phép vào ngày 16-3. Điều chính bà Nga cũng không ngờ là ngày 7-3, bà đã nhận được lời mời ghé quận lấy kết quả.
Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình cho biết, quận cũng thay đổi cách thức làm việc, hạn chế văn bản lòng vòng đề xuất xin ý kiến mà tăng cường gặp gỡ, trao đổi trực tiếp. Hàng tuần, quận tiếp xúc với các cơ sở, đơn vị và 10 phường để tháo gỡ khó khăn gặp phải. Hàng tháng, lãnh đạo quận trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp (DN) và giải quyết ngay vướng mắc của DN. Theo ông Lê Hòa Bình, sự thay đổi này mang nhiều lợi ích. Thay vì DN gửi kiến nghị theo đường văn thư tới lui mất cả tháng mới đến tay lãnh đạo quận, thì ngay khi gặp gỡ, lãnh đạo quận có thể trong 5 phút giải quyết liền giúp DN. Ông Lê Hòa Bình chia sẻ: “Quận cũng nhắn nhủ các DN không nói chung chung là “DN hoạt động khó khăn, cần quận hỗ trợ”, mà khuyến khích các DN yêu cầu thẳng quận 7 cần làm gì cho DN. Giữa DN và quận, không gì là không trao đổi với nhau được”.
Những con số ấn tượng: Cơ sở Đảng, đảng viên phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, với 36 chi bộ, đảng bộ, 5.237 đảng viên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm gần 13,45%. Riêng năm 2016, đạt hơn 34.844 tỉ đồng (tăng 15,41% so với năm 2015). 10 phường trong quận đều xây dựng “Điểm sáng phát triển khu dân cư 5 sạch, 2 xanh”. Tích cực nghiên cứu tái chế, tái sử dụng rác cây xanh đường phố: biến cành, nhánh lá cây đã cắt tỉa thành phân bón, chất đốt. Bệnh viện quận 7 giai đoạn 1 có quy mô 100 giường đang được xây dựng và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 gồm 400 giường. 32 cơ sở giáo dục hoàn tất sửa chữa khang trang. 71.000 công nhân ở các nơi đến làm việc, được quận ứng xử như với công dân thường trú, có nhà lưu trú, có nhà trẻ cho con công nhân. |