Ngày 2-8, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, dự phiên họp.
Phiên họp được tiến hành với sự chủ trì của Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Cùng tham dự có đồng chí Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đại diện các cơ quan liên quan, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Theo tờ trình do Thượng tướng Nguyễn Phương Nam trình bày, Luật Quốc phòng được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 14-6-2005, có hiệu lực từ ngày 1-1-2006. Sau hơn 10 năm, việc thực hiện Luật Quốc phòng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng; nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Do vậy, việc ban hành Luật Quốc phòng (sửa đổi) là cần thiết.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bày tỏ nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005 nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, trong đó có quy định việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải được luật quy định. Việc sửa đổi luật lần này cũng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện, bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế hiện nay.
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật Quốc phòng (sửa đổi); cho rằng, Luật Quốc phòng là cơ sở pháp lý để ban hành sách trắng về Quốc phòng.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần có cách tiếp cận sâu hơn, chỉnh sửa một số nội dung cụ thể để bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ của pháp luật. Chẳng hạn, cần bổ sung khái niệm quân sự; nguyên tắc hoạt động quốc phòng chưa cụ thể; chưa phân biệt thiết quân luật trong điều kiện chiến tranh bảo vệ Tổ quốc với thiết quân luật trong điều kiện chiến tranh giải phóng dân tộc; quy định về giới nghiêm chưa chặt chẽ để bảo đảm sẵn sàng trong mọi tình huống; chưa làm rõ đặc thù sử dụng đất quốc phòng, dẫn tới có người hiểu chưa đúng, cho rằng có những diện tích đất quốc phòng nhiều năm không được sử dụng đến; vấn đề quân đội làm kinh tế cũng chưa được thể hiện rõ, dẫn tới có những ý kiến khác nhau thời gian qua, trong khi có những địa bàn, lĩnh vực rất cần thiết phải có sự tham gia của Quân đội trong làm kinh tế, nhất là những địa bàn chiến lược không thu hút được các nhà đầu tư khác.
Theo chương trình xây dựng luật đã được Quốc hội thông qua, dự án Luật Quốc phòng sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư và thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Nguồn: qdnd.vn