Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tóm tắt kết quả kiểm kê đánh giá thực chất tình hình các nguồn lực của nền kinh tế.
Qua kiểm kê cho thấy, đất nước ta có những nguồn lực từ tài nguyên, tài chính, cơ sở hạ tầng, con người... không phải quá dồi dào; trong đó, một số nguồn lực về hạ tầng cứng kinh tế-xã hội của nước ta còn ở mức độ thấp so với các nước phát triển. Ví dụ như: Về hạ tầng giao thông, trong số 364.000km đường bộ, chúng ta hiện mới có hơn 745km đường cao tốc; để đẩy nhanh tốc độ phát triển đến năm 2020, chúng ta cần phải có khoảng 2000km cao tốc. Chất lượng nguồn nhân lực của ta còn thấp. Số lượng nhà khoa học của ta đã tăng lên, nhưng chưa có những đóng góp đột phá. Khoa học công nghệ chưa trở thành động lực cho phát triển... Việc khai thác nguồn lực của nước ta còn những hạn chế, phân bổ nguồn lực chưa hợp lý...
Có những nguồn lực mềm, những tài sản vô hình mà hiện nay chúng ta chưa đánh giá đúng tầm mức và định lượng được cụ thể giá trị của nó đối với việc phát triển kinh tế đất nước. Đó là: Văn hóa truyền thống của dân tộc; là một thị trường với dân số tới gần 100 triệu người đủ tạo sức sống cho các doanh nghiệp trong nước và sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, nhìn dưới góc độ thương hiệu thì bản thân hai chữ “Việt Nam” cũng là một giá trị đem lại những cơ hội phát triển rất lớn cho đất nước ta. Phương châm muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, hợp tác cùng có lợi, cùng thắng... tạo nên cảm tình, sức hút của thương hiệu “Việt Nam”. Về nguồn nhân lực, động lực và khát vọng vươn lên của mỗi người Việt Nam cũng rất mạnh mẽ, là một tiềm năng vô cùng quan trọng. Nếu nhìn như vậy, đất nước ta còn có rất nhiều nguồn lực, tiềm năng phát triển.
Những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua bộc lộ tinh thần nhìn đúng thực tế các nguồn lực của đất nước, từ đó đề ra chiến lược phát triển của đất nước, cũng như của từng bộ ngành, địa phương theo hướng tận dụng được thế mạnh, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, nâng cao hiệu quả, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Nhìn thấy trước mắt mình nhiều thách thức sẽ mang đến những ý nghĩa tích cực cho hiện tại và tương lai. Như thế, mỗi người chúng ta sẽ phải có một tâm thế tốt hơn, phải nỗ lực nhiều hơn. Bởi vì, một đất nước dù có “rừng vàng, biển bạc”, dù có những lợi thế vượt trội, nhưng nếu con người trên đất nước ấy không biết quý trọng, gìn giữ, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực; không có chiến lược sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, thì sẽ không thể chuyển hóa tiềm năng thành sức mạnh bền vững của quốc gia.
Nguồn: qdnd.vn