Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, UVTW Đảng, Tư lệnh Quân khu chủ trì hội nghị
Các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu dự hội nghị
Các hộ dân tại các điểm dân cư này sẽ là lực lượng tại chỗ, tích cực tham gia cùng các lực lượng bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh biên giới; hướng tới sự phát triển thành các ấp, xã, thị trấn biên giới, qua đó tăng cường sức mạnh lòng dân trong xây dựng khu vực phòng thủ và bảo đảm tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Sát đúng chủ trương đưa dân lên biên giới
Có mặt tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 2 của Đề án, ông Vũ Viết Quý, ở điểm dân cư liền kề Chốt dân quân thường trực xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, bày tỏ: “Chúng tôi may mắn là những người hưởng thụ của Đề án. Đây là tài sản lớn, là ước mơ của các hộ gia đình còn khó khăn về nhà ở. Chúng tôi xin hứa sẽ luôn đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội tại điểm dân cư, giáo dục con cháu trở thành những công dân tốt, góp phần cùng với LLVT bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới quốc gia”.
Theo chia sẻ của ông Quý, điểm dân cư liền kề Chốt dân quân thường trực xã Thanh Hòa đã được quy hoạch và xây dựng thành ấp biên giới với tổng số 51 hộ dân sinh sống. Nhiều hộ dân đã đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để mở rộng nhà bếp, lót gạch sân, làm mái che, hàng rào cổng ngõ kiên cố, khang trang và một số công trình phụ khác. Đường vào thôn ấp được mọi người đồng lòng góp sức, góp công, cùng làm đẹp không gian sống trên vùng đất mới. Giờ đây biên cương đã trở thành quê hương thứ hai, thắp lên niềm tin, hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Các hộ dân tại các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới có cuộc sống ổn định, khấm khá
Tại mỗi điểm dân cư, Quân khu hỗ trợ kinh phí xây dựng 5 căn nhà cấp 4 khang trang với la phông tôn lạnh, nền gạch men sạch sẽ. Cụ thể, đối với tỉnh Long An, Quân khu hỗ trợ 100 triệu đồng/căn; tỉnh Tây Ninh, tỉnh Bình Phước hỗ trợ 90 triệu đồng/căn. Mỗi căn nhà có diện tích bình quân từ 65 đến 75m2, riêng tỉnh Long An, diện tích nhà 120m2.
Các tỉnh địa phương bố trí đất ở, đất sản xuất, làm đường giao thông, kết nối điện, bảo đảm nước sạch, các điều kiện sinh hoạt, việc làm, thủ tục pháp lý, hành chính cho người dân.
Đối tượng thụ hưởng của Đề án là các đồng chí dân quân đang công tác tại các chốt dân quân biên giới, dân quân thường trực, dự bị động viên, gia đình cán bộ, quân đội, công an, biên phòng và các hộ dân tình nguyện định cư bền vững trên biên giới, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Lễ khánh thành và bàn giao các điểm dân cư được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và cấp ủy, chính quyền, LLVT địa phương tổ chức trang trọng, ấm áp. Ngoài những món quà phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, Quân khu, cấp ủy, chính quyền, các sở ngành và LLVT các địa phương còn trao tặng con giống, tạo sinh kế cho các hộ dân khi sinh sống trên vùng đất mới.
Quân khu và các địa phương đã thống nhất thực hiện chủ trương đưa dân lên định cư trên tuyến biên giới bằng việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới”. Mục đích của Đề án là góp phần xóa dần “vùng trắng” về dân cư trên tuyến biên giới, hướng tới bố trí dân cư đều khắp trên toàn tuyến. Người dân yên tâm “bám đất giữ làng”, tự nguyện là “tai”, là “mắt” cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Từ đây, LLVT dựa vào dân để bảo vệ biên giới, dân dựa vào LLVT để an tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.
Sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội
Quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng biên của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, Nhân dân các địa phương và doanh nghiệp. Tính đến giai đoạn 2 của Đề án, Quân khu đã xây dựng được 43 điểm, với 411 căn nhà liền kề chốt dân quân biên giới, tổng kinh phí thực hiện trên 127 tỉ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An khẳng định: “Đây là chủ trương rất đúng đắn, sáng tạo, mang tính đột phá, có sức lan tỏa lớn, được đông đảo các cấp, các ngành và bà con Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Qua 2 giai đoạn thực hiện Đề án, tỉnh đã xây dựng, bàn giao 15 điểm với 185 căn nhà liền kề chốt dân quân biên giới (vượt 7 điểm với 145 căn nhà so với Đề án Quân khu xác định). Năm 2023 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành chức năng thực hiện tốt việc xây dựng nhà, tăng dày điểm dân cư biên giới. Phấn đấu đến năm 2024, trên tuyến biên giới Long An sẽ có 24 điểm với 269 căn nhà. Đây chính là những “cột mốc sống”, góp phần cùng với các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới, giữ vững ổn định, tình hình an ninh chính trị nơi tiền tiêu biên giới”.
Đồng chí Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng triển khai xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới là hình thành lực lượng tại chỗ, làm chỗ dựa vững chắc, hỗ trợ lực lượng dân quân, biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, tăng cường sức mạnh khu vực phòng thủ tuyến biên giới. Qua 2 giai đoạn, tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành 21 điểm với 115 căn nhà, vượt chỉ tiêu 10 căn nhà so với Đề án Quân khu xác định.
Điểm dân cư liền kết chốt dân quân biên giới Bàu Năng thuộc xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh đã phát triển thành cụm dân cư biên giới
Đối với tỉnh Bình Phước, bằng nỗ lực và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, tỉnh đã hoàn thành tốt giai đoạn 2 của Đề án, với 7 điểm, 111 căn nhà (vượt 3 điểm với 86 căn nhà so với Đề án Quân khu xác định) và xây dựng được 1 nhà văn hóa tại điểm dân cư biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp.
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Quốc Bình, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Phước cho biết: 100% hộ dân đều có đơn tình nguyện lên biên giới sinh sống, yên tâm sản xuất, quyết giữ đất bám biên. Các điểm dân cư biên giới thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc, bức tường thành - thế trận “lòng dân” trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Trong giai đoạn 3 (2023-2025), Quân khu đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh Bình Phước, Long An, Tây Ninh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch dân cư trên biên giới gắn với phát triển các điểm dân cư liền kề chốt dân quân thành các cụm dân cư và trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng, điện nước, sinh kế, an sinh xã hội và các công trình phúc lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho các hộ dân, từ đó hình thành các khu, cụm dân cư biên giới.
Bộ Tư lệnh Quân khu thống nhất hỗ trợ kinh phí xây dựng điểm trường mẫu giáo liền kề điểm dân cư biên giới xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An (5,3 tỷ đồng); điểm trường mẫu giáo liền kề điểm dân cư biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước (5,2 tỷ đồng) theo đề xuất của các địa phương. Dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2024, là công trình chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Việc tăng dày dân cư ở khu vực biên giới giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với thế trận quân sự, an ninh và đối ngoại, tạo thành thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, UVTW Đảng, Tư lệnh Quân khu trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện giai đoạn 2 của Đề án
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện giai đoạn 2 của Đề án