Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, cả nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia thiết tha mong muốn được sống trong hòa bình để khôi phục và phát triển đất nước sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, đầy hy sinh, gian khổ. Nhưng tập đoàn Pôn Pốt, Iêng Xary đã phản bội lại nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia.
Ở Campuchia, bộ máy lãnh đạo Campuchia đứng đầu là Pol Pot, Ieng Xary, Nuon Chea, từ lâu đã duy trì một chính sách cực kỳ phản động. Chúng thực thi chính sách diệt chủng tàn khốc; cưỡng bức lao động khổ sai; tra tấn, hành hạ người dân Campuchia; biến trường học, nhà chùa thành nhà tù, khắp mọi nơi trên đất nước Campuchia đầy những hố chôn người tập thể… Chỉ trong 3 năm, 8 tháng, 20 ngày, chế độ diệt chủng Pôn Pốt, Ieng Sary đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội, xóa bỏ mọi cơ sở xã hội và đẩy dân tộc Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong.
Một góc thủ đô Phnom Penh hôm nay.
Đối với Việt Nam, bọn Pol Pot, Ieng Sary đã dùng bộ máy tuyên truyền nói xấu Việt Nam, nói xấu những người đã từng chia lửa với họ trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Campuchia. Họ tung ra chiến dịch tuyên truyền nói xấu Việt Nam, kích động lòng hận thù, nhồi nhét những tư tưởng cực đoan. Cùng với công tác tuyên truyền, bọn phản động Pol Pot, Ieng Sary đã tăng cường quân số, xin viện trợ quân sự của nước ngoài và tìm mọi thủ đoạn gây hấn, nhằm tạo cớ gây chiến tranh xâm lược để quyết tâm tiêu diệt Việt Nam.
Tháng 5/1975 chúng tiến hành cướp bóc tài sản, giết hại và xua đuổi hàng ngàn Việt kiều đã sinh sống lâu đời và có những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước Campuchia về Việt Nam và đưa quân sang xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam. Từ ngày 5/5/1975 đến 16/6/1975, Khmer Đỏ đã đưa quân xâm chiếm đảo Phú Quốc, đánh chiếm và hành quyết hàng trăm dân thường ở đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang; gây tranh chấp và xung đột biên giới liên tục trong những năm 1977-1978, trong đó, có những cuộc xâm nhập, lấn chiếm biên giới Tây Nam sâu vào lãnh thổ nước ta với quy mô lớn. Điển hình là chúng đã đánh chiếm nhiều điểm ở Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang và thảm sát nhiều thường dân vô tội.
Trước những hành động thảm sát nhân dân và xâm chiếm lãnh thổ của ta, ngày 31-12-1977, ta sử dụng 6 sư đoàn đánh sâu vào đất Campuchia đến tận Neak Luong. Ngày 5-1-1978, ta rút khỏi Campuchia. Cuộc tấn công của ta được xem là lời “cảnh cáo” nghiêm khắc đối với quân Khmer Đỏ.
Sau cuộc phản công của ta, ngày 31-12-1977, Pôl Pốt - Iêng Xary đã công khai đưa cuộc chiến tranh biên giới của nhân dân ta ra trước dư luận quốc tế và vu cáo Việt Nam xâm lược Campuchia. Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước ta đã chính thức đề nghị một giải pháp ngoại giao nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới và được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ. Thế nhưng, tập đoàn phản động Pôl Pốt - Iêng Xary được sự hà hơi, tiếp sức của bọn phản động quốc tế đã ngoan cố cự tuyệt yêu cầu của ta, tiếp tục vu cáo Việt Nam và tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Ngày 1-2-1978, Pôl Pốt - Iêng Xary đã điều 13 trong số 17 sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn địa phương liên tục tấn công vào lãnh thổ của Việt Nam, có nơi vào sâu tới 15- 20 km. Cuối năm 1978, với sự tài trợ trang thiết bị quân sự và sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài, tập đoàn phản động Pôl Pốt - Iêng Xary đã huy động 10 trong số 19 sư đoàn (khoảng 50.000 đến 60.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam.
Trước ý đồ xâm lược và những hành động tàn bạo của chế độ diệt chủng Pôl Pốt - Iêng Xary, đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia anh em. Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam vừa thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, vừa cùng với Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia, được sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới đã đập tan hành động xâm lược và đánh đổ chế Pôl Pốt - Iêng Xary cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng vào ngày 7 tháng Giêng năm 1979.
Chiến thắng lịch sử này là chiến thắng chung, niềm vui chung của nhân dân hai nước, đánh dấu việc xoá bỏ hoàn toàn một chế độ tàn ác, man rợ, khép lại một giai đoạn lịch sử đau thương, và mở ra một kỷ nguyên mới: độc lập, hòa bình, tự do, trung lập và phát triển cho nhân dân Campuchia.
Đối với Việt Nam, chiến thắng chế độ diệt chủng Pôl Pốt không chỉ vạch trần bản chất phản động, hiếu chiến, phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài của Khmer Đỏ, khẳng định quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ quốc gia thiêng liêng, mà còn là sự thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế cao cả, vô tư, trong sáng đối với nhân dân Campuchia, góp phần giữ vững hoà bình khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; đồng thời rung hồi chuông cảnh báo cho nhân loại hãy cảnh giác trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít mới.
Sau ngày giải phóng, hàng ngàn cán bộ chuyên gia, hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Campuchia anh em thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và ngăn chặn sự trở lại của chế độ diệt chủng tại Campuchia. Trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt đó, biết bao anh hùng, liệt sĩ Việt Nam và Campuchia đã hy sinh hoặc để lại một phần máu, thịt của mình trên các chiến trường.
Ngày nay, hai nước Việt Nam và Campuchia đã có hòa bình. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam và Campuchia đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của mỗi nước; vì vận mệnh chung và tình hữu nghị, đoàn kết của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Tình đoàn kết chiến đấu trong sáng giữa nhân dân hai nước sẽ mãi mãi được lịch sử khắc ghi và không một thế lực nào có thể xuyên tạc được. Phiên tòa bất thường trong hệ thống Tòa án của Campuchia (ECCC) được Liên hợp quốc ủng hộ đã và đang tiến hành xét xử những tên đầu sỏ của chế độ diệt chủng là minh chứng sống động, khẳng định chính nghĩa sáng ngời và sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia trong giai đoạn 1979-1989. Nhìn lại chặng đường 36 năm qua, chúng ta tự hào và vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Campuchia được các thế hệ Lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp đang ngày càng được củng cố, phát triển, đi vào chiều sâu, và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, qua đó, góp phần vun đắp cho mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển tốt đẹp.
MINH QUỐC-THUỶ BÌNH
Đại học Nguyễn Huệ