Theo Báo cáo Tình hình sản xuất công nghiệp thương mại tháng 9 và 9 tháng năm 2924, tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng/giảm IIP 9 tháng giai đoạn 2016-2024 (%) (Năm trước =100%)
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,76% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,39%; quý III tăng 11,41%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,11%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,83%; riêng ngành khai khoáng giảm 7,01%.
Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,1% ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,9%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3%).
Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2024 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18,8%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 16,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,0%; dệt tăng 12,8%; sản xuất kim loại tăng 12,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 12,0%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,8%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất đồ uống tăng 0,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 3,7%; khai thác than cứng và than non giảm 4,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%.
Sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng khi chỉ số sản xuất công nghiệp trong 9 tháng tăng ở 60/63 địa phương. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao ở mức hai con số do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (IIP của Lai Châu tăng 43,3%; Trà Vinh tăng 41,9%; Phú Thọ tăng 38,7%; Khánh Hòa tăng 36,4%; Bắc Giang tăng 27,7%; Sơn La tăng 27,3%; Thanh Hoá tăng 20,4%...).
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Thép thanh, thép góc tăng 26,7%; xăng, dầu tăng 20,3%; thép cán tăng 16,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,9%; đường kính tăng 13,5%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,3%; sữa bột tăng 12,1%; ô tô tăng 11,9%.
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 16,5%; khí hóa lỏng LPG giảm 15,0%; điện thoại di động giảm 7,6%; dầu mỏ thô khai thác giảm 5,9%; than đá (than sạch) giảm 4,2%; bia giảm 2,8%; Alumin giảm 2,3%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2024 tăng tới 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,6%).
Trong khi đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2024 tăng 5,2% so với cùng thời điểm tháng trước và chỉ tăng 8,5% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng tới 19,4%).
Đồng thời, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2024 là 76,8% (so với mức bình quân 9 tháng năm 2023 là 85,3%)... là những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi tích cực của sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Phương Vũ