Có thể nói, LLVT Quân khu 7 là đội quân tinh nhuệ, năng động, sáng tạo trong chiến đấu, rèn luyện, lao động sản xuất phát triển kinh tế, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…LLVT Quân khu 7 luôn là mũi nhọn tiên phong trên tuyến đầu “đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần”. Bằng chứng lịch sử qua các thời kỳ phản ánh rõ nét, vẻ vang trang sử, càng thêm trân trọng quá khứ và rất đáng tự hào ở bước tiến tương lai.
Ngược dòng lịch sử cùng lời ca hùng tráng “mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”, mỗi chiến sĩ, đồng bào Nam bộ khi nhắc đến cuộc chiến, chắc hẳn trong hồi ức vẫn còn đọng mãi khí thế hào hùng, khí thế tiến công như vũ bão của quân và dân Nam bộ.
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Để có sự thống nhất trong chỉ huy, chỉ đạo, ngày 10-12-1945 tại Hội nghị Xứ ủy Nam bộ tổ chức ở xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) đã ra quyết định thành lập Khu 7 - một tổ chức quân sự hành chính do đồng chí Nguyễn Bình làm Khu bộ trưởng, đồng chí Trần Xuân Độ làm Chủ nhiệm Chính trị.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân miền Đông Nam bộ đã hoàn thành nhiệm vụ “đi trước” mà lịch sử giao phó, góp phần làm xáo trộn kế hoạch chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, tạo điều kiện về thời gian cho Nhân dân cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến một cách chủ động. Giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, trong điều kiện bị địch chia cắt, phong tỏa và càn quét liên miên, quân và dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ giữ vững phong trào, khắc phục những lệch lạc hữu khuynh trong thực hiện phương châm ba vùng, đấu tranh giành giật sức người, sức của với địch; giành lại thế chủ động, tạo thế, tạo lực, tích cực góp phần cùng quân và dân cả nước tiến công địch trong Đông-Xuân 1953-1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ từng bước nắm chính quyền thống trị miền Nam Việt Nam, xây dựng bọn tay sai ngụy quyền, ngụy quân, thực hiện chính sách thực dân mới, tiến hành đánh phá quyết liệt cách mạng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ vững bước vào cuộc chiến đấu trong mối tương quan lực lượng không cân sức, dần dần gầy dựng lực lượng, cùng với đồng bào cả nước thực hiện cuộc kháng chiến lâu dài.
Tháng 12-1956, Ban Quân sự và Đảng ủy Miền được thành lập. Tháng 6- 1958, Bộ Tư lệnh miền Đông được thành lập; ngày 15-2-1961, Quân giải phóng miền Nam công bố thành lập từ sự thống nhất các đơn vị LLVT cánh mạng, đưa phong trào đấu tranh và sức chiến đấu của LLVT cách mạng phát triển mạnh mẽ.
Từ 1957 đến đầu năm 1961, LLVT miền Đông thực hiện một số trận đánh như trận đánh quận lỵ Dầu Tiếng ngày 11-8-1958, sau 30 phút ta tiêu diệt và làm chủ toàn bộ căn cứ 1 tiểu đoàn lính “Cộng hòa”, gây tiếng vang lớn trong toàn miền Đông và cả nước. Ngày 9-7-1959 đánh vào trụ sở cơ quan MAAG của Mỹ đóng tại nhà máy của BIF Biên Hòa do đặc công biệt động Biên Hòa thực hiện diệt 2 tên cố vấn Mỹ, ghi tên đầu tiên trong danh sách lính Mỹ tử trận ở Việt Nam, gây tiếng vang lớn ở chiến trường.
Ngày 26-1-1960, lực lượng vũ trang miền Đông đánh trận Tua Hai, tỉnh Tây Ninh, làm chủ căn cứ một trung đoàn chủ lực ngụy, diệt và làm bị thương, bắt sống nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí trang bị… mở đầu cho phong trào Đồng khởi ở miền Đông. Trong cuộc Đồng khởi 1960, quân dân miền Đông và cực Nam Trung bộ đã đánh sụp ngụy quyền cơ sở, giành quyền làm chủ phần lớn nông thôn.
Từ năm 1961 đến giữa năm 1965, khi Mỹ-ngụy đổi chiến lược sang tiến hành “chiến tranh đặc biệt”, quân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ vẫn giữ vững và phát triển quyền chủ động tiến công địch, nhanh chóng chuyển hướng chiến lược từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng, ra sức xây dựng lực lượng chính trị, LLVT du kích xã, bộ đội khu và bộ đội chủ lực Miền. Trên chiến trường miền Đông đã có những đơn vị chủ lực cấp tiểu đoàn, trung đoàn. LLVT miền Đông và cực Nam Trung bộ đã đánh nhiều trận tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch. Chiến dịch Bình Giã từ ngày 2-12-1964 đến 7-1-1965, lần đầu tiên trên chiến trường B2, ta mở chiến dịch lớn cấp Sư đoàn. Chiến dịch Bình Giã là trận đánh mạnh nhất làm sụp đổ “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Giữa năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam. Miền Đông là chiến trường địch tập trung lực lượng cả Mỹ lẫn ngụy cùng khối lượng vũ khí và phương tiện chiến tranh lớn nhất. Chiến trường miền Đông lúc này đã có 3 Sư đoàn chủ lực Miền. Quân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã chủ động xác định quyết tâm đánh Mỹ, diệt ngụy, vận dụng phương thức, phương châm tiến hành chiến tranh một cách linh hoạt, có hiệu quả, lần lượt đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất và lần thứ hai của địch, thực hành các cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong năm 1968, đánh vào các sào huyệt của địch ở Sài Gòn, giành thắng lợi lớn, góp phần buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và chịu đàm phán với ta ở Pari.
Trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ từ sau ngày ký Hiệp định Paris (27-1-1973), quân dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ nhanh chóng khắc phục những lúng túng ban đầu, kịp thời chuyển sang thế tấn công giành chủ động. Từ ngày 12-12-1974 đến 06-01-1975, ta quyết định mở chiến dịch đường 14 Phước Long, giải phóng một tỉnh, trở thành “Đòn trinh sát chiến lược”, tạo thêm cơ sở để Bộ Chính trị bàn về quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong năm 1976 hoặc 1975.
Trong 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn, có 2 cánh quân thuộc các lực lượng chiến đấu trên chiến trường Đông Nam bộ, cực Nam Trung bộ đó là Quân đoàn 4 ở hướng Đông và Đoàn 232 ở hướng Tây Nam. Quần chúng Sài Gòn, Gia Định đã nổi dậy ở 107 khu vực, có 31 khu ngoại thành, 32 khu vực nổi dậy trong ngày 29-4 và rạng sáng 30-4, 34 khu vực nổi dậy trước khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Sau ngày 30-4-1975, cán bộ, chiến sĩ LLVT tham gia thực hiện nhiệm vụ quân quản, tổ chức sắp xếp lại lực lượng và tiến hành thành lập Quân khu 7 theo chỉ đạo của Trung ương. LLVT Quân khu 7 cùng Nhân dân bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh trên tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng và bảo vệ cuộc sống mới.
Ngày 30-4-1977, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do bọn phản bội Pôn-pốt tiến hành đã bắt đầu diễn ra quyết liệt. Quân khu 7 vừa tổ chức lực lượng bảo vệ biên giới, vừa thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh địa bàn. Cuối năm 1978, đầu năm 1979, theo đề nghị của lực lượng cách mạng Campuchia và thông suốt chỉ thị của trên, LLVT Quân khu 7 đã cùng các đơn vị bạn phối hợp với các lực lượng cách mạng Campuchia tiến hành cuộc phản công truy kích bọn Pôn-pốt, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Ngày 7-1-1979, sau khi Campuchia hoàn toàn giải phóng, trong 10 năm liên tục, LLVT Quân khu 7 tiếp tục giúp bạn Campuchia bảo vệ thành quả cách mạng, hồi sinh đất nước.
Phát huy truyền thống “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết quyết thắng”, kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 75 năm Ngày Truyền thống Quân khu 7, chúng ta tự hào về LLVT Quân khu 7, với sức mạnh tổng hợp, tầm nhìn chiến lược và nghệ thuật quân sự, LLVT Quân khu 7 đã góp phần tô điểm vẻ vang trang sử dân tộc, là bài ca hùng tráng của hôm nay và mãi mãi mai sau.
nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7