Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên xuất hiện cụm từ “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, hay thường gọi tắt là “Cách mạng công nghiệp 4.0”. Khác với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, tri thức của nhân loại trong “Cách mạng công nghiệp 4.0” phát triển với tốc độ cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng.
Với những thành tựu vượt bậc về khoa học và công nghệ, “cách mạng công nghiệp 4.0” tạo ra tiền đề và cơ hội cho sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số làm xuất hiện “internet của vạn vật” (Internet of things).
Muốn không bị tụt hậu hay trượt khỏi xu hướng của “cách mạng công nghiệp 4.0” đòi hỏi con người phải có sự thay đổi tư duy về tiếp nhận, lĩnh hội tri thức. Việc học ở trường, học ở thầy cô giáo để có những kiến thức cần thiết, nền tảng là rất quan trọng. Nhưng sống trong kỷ nguyên công nghệ số lên ngôi, muốn có kiến thức phong phú, sâu rộng, nhất là những kiến thức mới, việc học ở trường chưa đủ, mà còn phải chủ động, tích cực tìm kiếm thông tin, tri thức được cập nhật hằng ngày, hằng giờ trên internet. Đó là lý do tại sao nhiều nước phát triển đã triển khai việc giáo dục, đào tạo thông qua các bài giảng điện tử, thư viện điện tử, sách điện tử.
Nắm bắt xu thế chung đó, mới đây, Chính phủ đã ban hành “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Tại sao phải xây dựng, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc? Bởi người Việt ta, từ trong bản chất là có truyền thống hiếu học, nhưng cũng không ít người “học gạo”, “học lỏi”, học chỉ vì mục đích đỗ đạt, làm quan, chứ chưa hẳn có tâm lý học suốt đời. Hơn thế, do truyền thống văn hóa làng xã chi phối đến nếp nghĩ, nhận thức, tâm lý từ bao đời nay, nên nhân dân ta cũng ít có điều kiện tiếp cận với văn hóa đọc như người dân các nước phát triển. Theo một nghiên cứu gần đây, trung bình mỗi người Việt chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong khi mỗi năm người dân Ma-lai-xi-a đọc 10 cuốn, người Nhật và người Pháp đọc trên 20 cuốn... Do đó, phải hình thành, tạo dựng thói quen đọc cho mỗi người dân để ai cũng cảm thấy vai trò, ý nghĩa của văn hóa đọc, từ đó biến thói quen đọc thành nhu cầu thiết thân như cơm ăn nước uống hằng ngày. Nhưng muốn đọc sách có hiệu quả thì phải có kỹ năng đọc tốt, tức là biết cách tìm kiếm, thu nhận, lĩnh hội, làm chủ được những tri thức bổ ích nhất từ kho tàng tri thức bao la của nhân loại.
Một thời chưa xa, hầu khắp các địa phương trong nước đã phát triển rầm rộ điểm bưu điện-văn hóa xã với mong muốn biến nơi đây thành nơi đọc sách báo miễn phí của cộng đồng. Nhưng do cách làm thiếu khoa học, “có sinh mà không có dưỡng”, lại không nghiên cứu kỹ đặc điểm tâm lý của người dân cũng như điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương mà nhiều điểm bưu điện-văn hóa xã đã sớm rơi vào quên lãng, gây lãng phí. Bài học rút ra ở đây là có mục đích tốt mà không có phương pháp làm phù hợp thì cũng không đạt hiệu quả như ý muốn chủ quan.
Những năm gần đây, nước ta đã lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam với mục đích là “đánh thức” tiềm năng đọc, ý thức đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng phong trào văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, được sự tài trợ của một số tổ chức quốc tế, một số địa phương nông thôn, miền núi cũng đã xây dựng những điểm truy cập internet cộng đồng để phục vụ nhân dân. Nhiều mô hình “tủ sách lưu động”, “thư viện lưu động”, “chuyến xe sách báo miễn phí”... cũng đã được luân chuyển đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã phần nào giải quyết được “cơn khát” văn hóa đọc của đồng bào. Tuy nhiên, phong trào đọc sách ở nhiều nơi vẫn dừng lại ở điệp khúc “xuân thu nhị kỳ”, chỉ làm rầm rộ ít ngày, làm một vài đợt theo kiểu “ra quân” rồi lại... lắng xuống.
Với một đề án có mục tiêu, nội dung, giải pháp rõ ràng và nguồn kinh phí để thực hiện, hy vọng rằng trong thời gian tới, văn hóa đọc sẽ thực sự đến với mỗi người, mỗi nhà và thấm sâu vào đời sống tinh thần của cả cộng đồng, qua đó góp phần thúc đẩy xã hội học tập suốt đời ở nước ta.
Nguồn: qdnd.vn