Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội tăng thiết giáp (TTG) đã có bước trưởng thành, lớn mạnh, phát triển nhanh chóng, tham gia hàng trăm trận đánh, hàng chục chiến dịch lớn, nhỏ trên khắp các chiến trường. Vận dụng cách đánh mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, táo bạo, dũng cảm, kiên cường, bộ đội TTG đã lập công xuất sắc, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Kế thừa nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc, bộ đội TTG đã vận dụng sáng tạo nhiều cách đánh hay, đánh hiểm, luôn gây cho địch bất ngờ lớn cả ở quy mô chiến thuật và chiến dịch. Mở đầu là trận ở Tà Mây-Làng Vây trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (năm 1968), ta đã sử dụng lực lượng Tiểu đoàn Xe tăng 198 (2 đại đội) tham gia đánh trận then chốt, tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch phòng ngự trong công sự vững chắc. Tiếp đó, trong chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào (năm 1971), ta đã sử dụng 3 tiểu đoàn xe tăng (88 xe) chi viện cho bộ binh tiến công địch cả ban ngày, ban đêm, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.
Qua hai chiến dịch Đường 9-Khe Sanh và Đường 9-Nam Lào, nghệ thuật tác chiến của bộ đội TTG đã hình thành và phát triển nhanh chóng. Nét tiêu biểu là ta đã tập trung lực lượng mạnh TTG hiệp đồng cùng các lực lượng chiến dịch, tiến công đánh chiếm mục tiêu chủ yếu; vận dụng thành công yếu tố bí mật, bất ngờ trong sử dụng lực lượng, trong chọn hướng và mục tiêu tiến công (trận tiến công cứ điểm Làng Vây); tránh nơi địch mạnh, tìm nơi sơ hở, nơi hiểm yếu như (trận Điểm cao 543). Cách đánh của xe tăng là bí mật cơ động tiếp cận mục tiêu, lợi dụng thế trận của bộ binh, vận dụng linh hoạt thủ đoạn chiến đấu, đột phá kết hợp với thọc sâu, dùng hỏa lực chi viện cho bộ binh và các lực lượng chiến đấu, dẫn dắt bộ binh xung phong đánh chiếm mục tiêu, bảo đảm tốc độ tiến công, gây cho địch bất ngờ, tan rã nhanh.
Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trên khắp các mặt trận Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, nghệ thuật sử dụng lực lượng và cách đánh của bộ đội TTG đã từng bước được hoàn thiện và phát triển lên một bước mới cả về quy mô, lực lượng, địa bàn tác chiến. Điểm nổi bật của nghệ thuật sử dụng TTG trong chiến dịch tiến công Quảng Trị năm 1972 là sử dụng tập trung một số lượng lớn, đồng thời có lực lượng thích hợp trên các hướng khác. Ta đã sử dụng thành công lực lượng TTG với quy mô đại đội, tiểu đoàn TTG phối thuộc cho trung đoàn hoặc sư đoàn bộ binh tiến công trên hướng chủ yếu, đánh trận then chốt và then chốt quyết định ở khu vực Đông Hà, Ái Tử, quận lỵ Hải Lăng, Cửa Việt... TTG đã trở thành lực lượng đột kích mạnh, thọc sâu, vu hồi nhanh trong tiến công, là lực lượng phản kích, phản đột kích mạnh trong phòng ngự. Xe tăng, xe thiết giáp của ta đã tận dụng thành công yếu tố bí mật, bất ngờ sử dụng trên tất cả các hướng chiến dịch, cơ động từ xa đến, hành tiến tiến công, bỏ qua cứ điểm vòng ngoài, đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu trong tung thâm phòng ngự địch. Nhiều phân đội xe TTG đã vận dụng hình thức chiến thuật bắn ngắm trực tiếp sát thương lớn quân địch, tạo điều kiện cho bộ binh tiến công giành thắng lợi.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, nghệ thuật sử dụng TTG đã phát triển lên tầm cao mới, được thể hiện ở việc tập trung với số lượng lớn, chiếm gần 80% tổng số xe TTG trên toàn chiến trường với nhiều chủng loại TTG. Đây cũng là lần đầu tiên ta sử dụng toàn bộ một trung đoàn xe tăng tập trung cho một trận đánh then chốt tiêu diệt và đánh chiếm mục tiêu trọng yếu của chiến dịch: Thị xã Buôn Ma Thuột, tạo ra ưu thế tuyệt đối về xe tăng, xe thiết giáp. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã sử dụng 398 xe TTG để đánh trận then chốt quyết định. Với sự tập trung cao độ, lực lượng TTG trên các hướng chiến dịch được sử dụng từng tiểu đoàn, trung đoàn làm lực lượng đột kích cùng bộ binh tiến công đánh chiếm lần lượt các mục tiêu, cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện.
Cùng với sự phát triển cao của nghệ thuật sử dụng lực lượng TTG, tổ chức đội hình tiến công của TTG cũng có bước phát triển mới. Ta đã vận dụng thành công nghệ thuật tổ chức chi đội phái đi trước, lấy TTG làm nòng cốt, tạo tốc độ tiến công nhanh. Nghệ thuật tổ chức đội hình tiến công nhiều thê đội đã bảo đảm duy trì sức chiến đấu, vừa đánh, vừa củng cố lực lượng để chiến đấu liên tục. Về cách đánh, ta đã tận dụng thế trận có lợi, bí mật cơ động TTG từ xa đến, hành tiến tiến công, vận dụng linh hoạt thủ đoạn đột phá kết hợp với thọc sâu chiến thuật, chiến dịch, vu hồi, chia cắt, bao vây từng cụm quân địch, bỏ qua hoặc đánh lướt qua cứ điểm vòng ngoài, đánh thẳng vào các mục tiêu chủ yếu không cho địch kịp trở tay đối phó. Nghệ thuật sử dụng TTG tập trung trên hướng, khu vực, mục tiêu chủ yếu, thời cơ có lợi và cách đánh tiêu diệt đi đôi với giữ gìn và phát triển lực lượng, đánh có chuẩn bị, đánh chắc thắng; bí mật, bất ngờ, mưu trí, sáng tạo để giành thắng lợi quyết định trên chiến trường.
Nguồn: qdnd.vn