Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 20/SL tháng 2-1947 về “hưu bổng, thương tật” và “tiền tuất cho thương binh, liệt sĩ” và sau đó quyết định lấy ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh-Liệt sĩ (TB-LS) cho đến nay, công tác chính sách đối với TB-LS luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Sự quan tâm ấy ngày càng được hoàn thiện từ việc ban hành các chính sách ở tầm vĩ mô, đến những chỉ đạo các hoạt động cụ thể. Đất nước ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, thì đời sống của người có công (NCC) với cách mạng cũng không ngừng được nâng cao. Những ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với NCC thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Hiện nay, cả nước có hơn 9 triệu NCC và cũng còn hơn 28.000 hồ sơ đang được xem xét các tiêu chuẩn để công nhận là NCC với cách mạng. Cả nước cũng còn gần 5.000 hồ sơ đang được đề nghị rà soát để công nhận là TB-LS. Như vậy có thể thấy, số lượng NCC trong cả nước là khá lớn. Vì vậy, để bảo đảm ngày càng tốt hơn các chế độ, chính sách đối với NCC thì ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội ở từng địa phương, rất cần sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân trong cả nước, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Thời gian gần đây, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thực hiện đợt vận động toàn dân tham gia Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Hiệu quả thu được từ đợt vận động này khá rõ nét. Bởi chỉ trong 3 tháng, MTTQ Việt Nam đã nhận được gần 57 tỷ đồng do các tập thể, cá nhân đóng góp, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm hỗ trợ gia đình NCC còn gặp khó khăn.
Để tiếp tục chăm lo chu đáo, vẹn tròn đối với NCC; đồng thời trở thành hoạt động thường xuyên và lan tỏa rộng rãi trong xã hội, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người, mọi tổ chức thấu hiểu được sự hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân của thế hệ cha anh trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, từ đó hình thành ý thức tự giác và trách nhiệm của mỗi người trong công tác chăm lo, tri ân NCC. Việc tổ chức các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở khắp các địa phương trên cả nước, kết hợp với tổ chức những đợt cao điểm vào các dịp lễ, Tết. Các hoạt động cần phải được tiến hành bằng những việc làm thiết thực, nhằm mục tiêu giúp đỡ NCC và thân nhân NCC không ngừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Quá trình thực hiện cần phải vận động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cùng tham gia để tạo thêm nguồn lực cho công tác chính sách.
Tri ân NCC với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đó cũng là sự tiếp nối đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” càng được phổ biến và thực hiện rộng rãi thì cốt cách dân tộc càng được khẳng định. Đây cũng là cơ sở để chúng ta tạo ra sức mạnh tổng hợp trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguồn: qdnd.vn