Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất
Lập nghiệp trên quê hương Bình Phước sau ngày giải ngũ về với gia đình, giờ đây hộ CCB Phan Văn Toàn là một trong những gia đình thuộc diện khá giả tại ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương.
Là bệnh binh 2/3, năm 2006 được Nhà nước hỗ trợ xây nhà tình nghĩa nhưng ông Toàn không nhận mà nhường lại cho gia đình khó khăn hơn. Với phẩm chất người lính Cụ Hồ, sau nhiều năm chịu khó làm ăn, đến năm 2008, kinh tế gia đình ông dần ổn định và khá giả. Chỉ với gần 1 ha đất, ông học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng tiêu kết hợp nuôi dê và heo. Mô hình này đem về thu nhập cho gia đình ông hơn 300 triệu đồng/năm. “Trong chiến đấu, sự sống và cái chết cách nhau gang tấc còn không sợ, sợ gì nghèo. Không ai nghèo mãi cả, chỉ có người lười lao động mới nghèo thôi. Phải chịu khó lao động, học hỏi tìm cách vượt lên hoàn cảnh, đó là phương châm của người lính Cụ Hồ chúng tôi” - ông Toàn nói.
Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế gia đình, ông Toàn còn là Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp được nhân dân yêu mến. Từ năm 2016 đến nay, ông phối hợp với các đoàn thể ấp vận động người dân được hơn 2 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn. Trong năm 2020 vận động làm gần 9km đường điện chiếu sáng nông thôn, xây sân, tường nhà văn hóa…
CCB Nguyễn Hữu Thọ (xã Thanh Phú, TX. Bình Long) hiện sở hữu cơ ngơi lên đến vài tỷ đồng. Đầu năm 2017, ông Thọ đầu tư gần 3 tỷ đồng trồng dưa lưới trên 7 sào đất của gia đình. Mặc dù tuổi đã ngoài 60 nhưng ông luôn chịu khó học hỏi áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập trên 600 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động ở địa phương. “Trước đây, gia đình khó khăn lắm, nhờ chịu khó làm ăn nên kinh tế cũng dần khá hơn. Trong thời buổi hiện nay, muốn khá thì phải kiên trì và biết cách làm, phải ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả năng suất lao động. Không được dao động tư tưởng, chạy theo phong trào thì rủi ro rất cao” - ông Thọ cho hay.
Còn sức còn lao động
Tuy tuổi cao, sức lao động không còn nhiều, song các CCB vẫn không ngừng nỗ lực lao động phát triển kinh tế gia đình. Các ông Phan Văn Toàn và Nguyễn Hữu Thọ chỉ là 2 trong số hàng ngàn CCB Bình Long nói riêng và của tỉnh Bình Phước nói chung giữ gìn, phát huy phẩm chất tốt đẹp này. Qua đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ biết phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
CCB Phùng Văn Đình (ấp Thanh Kiều, xã Thanh Lương) chia sẻ: “Quan điểm của chúng tôi là còn sức còn lao động để tự nuôi sống bản thân. Vì vậy, hầu hết các CCB về kinh tế cơ bản ổn định. Chúng tôi cũng dạy con cháu phải cần cù lao động, tự lực vươn lên, không được ỷ lại vào cha mẹ, người thân”.
Chủ tịch Hội CCB TX. Bình Long Nguyễn Minh Đức cho biết: Trong thời gian qua, các hội viên CCB luôn tự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình nâng cao đời sống, chỉ số ít hoàn cảnh quá khó khăn nên không thể tự lực vươn lên được. Hiện nay, hội có 1.558 hội viên, trong đó số hộ khá, giàu chiếm 48,1%; hộ trung bình chiếm 51,2%; nghèo còn 8 hộ, chiếm 0,7% và không có hộ cận nghèo. Điều đó cho thấy, dù bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào, phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ vẫn được các CCB phát huy.