Bên tách trà xanh nghi ngút khói, ông Lê Thanh Giang miên man về ngôi làng yên bình bên dòng Dinh Lý, xã Lý Lịch, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng ngày nay. Ông nói: Trong kháng chiến, Cát Tiên là địa danh nhỏ thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé cũ, vùng cửa ngõ của Chiến khu D kiên cường. Chiến tranh biến những cánh rừng tốt tươi thành căn cứ địa cách mạng; những người dân tộc Châu Mạ, Mơnông, S’tiêng hiền lành, quanh năm gắn bó với rẫy nương trở thành chiến binh. Ngay chính tôi, từ năm 10 tuổi đã làm liên lạc cho cách mạng. Hằng ngày, tôi lân la khu vực chợ, kết nối với người chú họ để nắm thông tin của bọn Pháp. Có thông tin, tôi băng rừng tìm gặp bộ đội báo về. Những lúc cán bộ Việt Minh từ rừng ra làm dân vận gặp phải đoàn lính Pháp đi truy quét, tôi cùng một số anh chị, cô chú trong làng tìm cách liên lạc để người dân nuôi giấu cán bộ Việt Minh, tránh bị vây quét.
Những năm 1960-1970, các xã ven sông Đồng Nai là một trong những địa bàn ác liệt nhất của chiến trường miền Nam. Đây cũng là căn cứ nổi tiếng kiên trung, bất khuất. Đồng bào Châu Mạ, Mơnông, S’tiêng cùng du kích và bộ đội chủ lực kề vai, sát cánh giáng trả quân thù những đòn chí mạng, bảo đảm sự an toàn và lớn mạnh của một vùng chiến khu rộng lớn.
Năm 1961, ông Kgiang đi theo đồng chí Ba Phú (Nguyễn Văn Phú - cán bộ được Trung ương cài cắm hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số) thoát ly đến vùng kháng chiến Bù Đăng. Vốn thành thạo tiếng Kinh, sau 4 năm làm nhiệm vụ liên lạc, ông Kgiang được tổ chức phân công làm cán bộ tuyên truyền cho mặt trận kháng chiến K29. “Đi tuyên truyền, nhiệm vụ của tôi là nói rõ cho đồng bào nghe âm mưu xâm lược của kẻ thù. Đồng thời nói cho bà con phòng chống giặc như thế nào từ cách cắm chông, làm hố bẫy giặc đến đào hầm nuôi giấu bộ đội... Khuyên đồng bào không được tiếp xúc nhiều với người lạ vì dễ gặp mật thám của kẻ thù....” - ông Kgiang chia sẻ.
Xin đổi họ trà trộn vào ấp chiến lược
Chiến trường miền Nam Việt Nam thời kỳ ác liệt, Mỹ lần lượt thực hiện nhiều hình thái chiến tranh thâm độc. Trên địa bàn Bù Đăng, địch ráo riết tăng cường thực hiện chiến tranh tâm lý với nhiều mưu đồ gây chia rẽ cách mạng với dân, giữa người Kinh với người Thượng; tăng cường gom dân vào “Ấp chiến lược” để cắt đứt mối liên hệ giữa cách mạng với quần chúng. Đồng bào bị đưa vào ấp chiến lược ngày càng đông. Biết ý định của kẻ thù muốn đánh sập các căn cứ cách mạng, đồng hóa đồng bào mình, để kết nối tình hình trong ấp chiến lược với mặt trận giải phóng, ông Kgiang đề xuất tổ chức cho bản thân ngụy trang trà trộn vào. Sau vài lần ra vào ấp chiến lược, ông Kgiang báo cáo tình hình và xin được đổi tên Kgiang thành Lê Thanh Giang để dễ hoạt động. Ông khéo léo ngụy trang, nhiều lần trà trộn vào ấp chiến lược Hòa Đồng thuộc Chi khu quân sự Đức Phong, để nắm tình hình, đẩy mạnh dân vận, tuyên truyền vận động đồng bào theo cách mạng. Cũng trong thời gian này, ông Giang vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau ngày giải phóng, ông nhận nhiệm vụ mà Đảng, Nhân dân giao tiếp tục làm lãnh đạo các xã Thọ Sơn, Phú Sơn, Đồng Nai, góp sức xây dựng các xã vùng sâu này ngày càng đổi mới. Bà Thị Diệu Hiền, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đồng Nai, nay là Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, cho biết: Ông Lê Thanh Giang là một trong những cán bộ đi đầu xây những hòn gạch cho xã Đồng Nai phát triển như hôm nay. Ông luôn thẳng thắn góp ý để xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đồng Nai trong từng giai đoạn để phát triển vững mạnh.