(QK7 Online) - Vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi còn là học sinh miền Nam trên đất Bắc, tôi rất ham đọc sách, nhất là những tiểu thuyết viết về Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức. Tôi xúc động về câu chuyện một Trung đoàn Hồng quân bị quân Đức bao vây, họ đã chiến đấu đến những người lính cảm tử cuối cùng... Trong giờ phút nguy cấp ấy, Trung đoàn trưởng đã gọi những người lính còn lành lặn và khỏe mạnh đến giao nhiệm vụ: Bằng mọi giá phải mang cho được lá cờ Trung đoàn về với trận tuyến Hồng quân, không được để rơi vào tay quân Đức. Phân đội trưởng đội cảm tử đã quấn chặt lá quân kỳ vào người rồi cùng chiến sĩ của mình mở đường máu trở về. Sau đó, họ cùng với những người lính Hồng quân tiếp tục chiến đấu cho đến ngày toàn thắng và Lá quân kỳ của Trung đoàn cận vệ anh hùng đã tung bay trên đường phố Berlin, sào huyệt của quân phát xít Đức.
Tôi ước ngày nào đó mình sẽ được làm người lính Trung đoàn, chiến đấu dưới lá cờ quyết chiến quyết thắng như các chiến sĩ Hồng quân năm nào.
Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ thuộc Trung đoàn 174 đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước tại Đền liệt sĩ Long Khốt - Ảnh: Thanh Tuấn
Vào những ngày cuối năm 1972, tôi cùng đồng đội của Đoàn 232 rời núi rừng Nho Quan hành quân ra trận. Lá quân kỳ “quyết chiến quyết thắng” tung bay dẫn đầu đoàn quân. Hơn 3 tháng vượt đường Trường Sơn, chúng tôi đã đặt chân đến chiến trường miền Đông Nam bộ và được bổ sung vào Trung đoàn 2, Công trường 5 (mật danh của Sư đoàn 5 ngày ấy). Ngày đầu về đơn vị, nghe Trợ lý tuyên huấn Trung đoàn Trần Thế Tuyển giới thiệu về truyền thống, tôi mới biết tiền thân của Trung đoàn 2 chính là Trung đoàn 174 oai hùng của núi rừng Cao- Bắc- Lạng năm nào. Đó là một trong 2 Trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta ra đời từ chiến khu Việt Bắc (Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209), là chiếc nôi đã nuôi dưỡng và rèn luyện các tướng lĩnh lừng danh và những anh hùng làm nên huyền thoại của thế kỷ 20. Năm 1950, chỉ sau một năm thành lập, Trung đoàn được giao đánh đồn Đông Khê. Bác Hồ đã ra tận trận địa động viên bộ đội. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - 1954, Trung đoàn vinh dự làm đơn vị chủ công đánh chiếm đồi A1. Thời kỳ này đã sản sinh ra nhiều anh hùng như La Văn Cầu, Bế Văn Đàn...
Tháng 3 năm 1967, Trung đoàn 174 tách khỏi đội hình Sư đoàn 316 hành quân vào Nam chiến đấu với mật danh “Đoàn A1”. Xuân Mậu Thân 1968, từ Tây Nguyên, Trung đoàn hành quân vào Nam Bộ. Trong đội hình Sư đoàn 5, Trung đoàn luôn được giao nhiệm vụ chủ công như Chiến dịch Nguyễn Huệ (1972) giải phóng Lộc Ninh; Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng thị xã Tân An. Hơn 10 năm làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất Campuchia, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Kết thúc chiến tranh, Trung đoàn 2 lần được phong danh hiệu “Anh hùng LLVTND”; nhiều cá nhân được phong tặng danh hiệu AHLLVT và nhiều đồng chí trở thành những tướng lĩnh kiệt xuất của quân đội ta như: Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Trung tướng Đàm Văn Ngụy, Thiếu tướng Vũ Viết Cam...
Cũng trong năm 1967, khi Trung đoàn 174 hành quân vào Nam, không lâu sau Trung đoàn 174B thuộc Sư đoàn 316 được thành lập. Điều khá thú vị là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mùa Xuân 1975, cả 2 Trung đoàn 174 đều tham chiến. Trung đoàn 174 (Sư 316) sau khi đánh chiếm Buôn Mê Thuột đã tiếp tục tiến về giải phóng Sài Gòn, còn Trung đoàn 174 của chúng tôi trong đội hình Đoàn 232 đánh vào Sài Gòn từ hướng Tây Nam, cắt lộ 4 và giải phóng thị xã Tân An.
* *
*
Tháng 10 năm 2017, tôi cùng Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển (Trưởng Ban liên lạc CCB Trung đoàn 174 tại Tp HCM) có chuyến ra Bắc về thăm Trung đoàn 174 của Sư đoàn 316. Vừa đến Hà Nội, chúng tôi đến thăm Anh hùng La Văn Cầu, người đã nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương cho khỏi vướng để ôm bộc phá xông lên phá lô cốt địch trong chiến dịch Đông Khê 2 (năm 1950). Năm ấy, bác La Văn Cầu đã 85 tuổi, nhưng trông ông vẫn còn mạnh khỏe, thông tuệ. Chất giọng vang vang hào sảng, Bác Cầu kể cho chúng tôi nghe trận đánh năm xưa, nhưng khi nhắc đến Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 Đặng Văn Việt, giọng ông trầm hẳn xuống: “Tôi đã nhiều lần nói, tôi được phong Anh hùng 1 lần thì thủ trưởng Việt xứng đáng được phong danh hiệu cao quý này 10 lần”. Tạm biệt Anh hùng La Văn Cầu, chúng tôi đến thẳng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô thăm Trung đoàn trưởng lừng danh Đặng Văn Việt, được người Pháp mệnh danh là “Hùm xám đường 4”, năm nay đã 97 tuổi. Rời quân ngũ năm 1960, chỉ mang quân hàm trung tá, nhưng trong mỗi chúng tôi, ông mãi là một vị tướng trận mạc kiệt xuất. Sử sách còn ghi, ông Đặng Văn Việt đã trực tiếp chỉ huy đánh 120 trận, trong đó chỉ có 4 trận không thắng. Không chỉ là vị chỉ huy quân sự tài ba, ông Việt còn là cây viết sắc sảo, là tác giả của 17 cuốn sách, trong đó cuốn “ Đường số 4 rực lửa” đoạt giải nhất Hội Liên hiệp VHNT năm 2000. Có những câu chuyện ít người biết về ông, rạng ngày 21/8/1945 ông đã cùng ông Nguyễn Thế Lương (sau này là thiếu tướng Cao Pha, nguyên Cục trưởng Cục 2, Bộ Quốc phòng) kéo lá cờ đỏ sao vàng rộng 120m2 lên kỳ đài Huế. Ba ngày sau, ngày 23/8/1945 khi ông có mặt tại cửa Ngọ Môn chứng kiến vua Bảo Đại trao ấn, kiếm và tuyên bố thoái vị, một viên cai đội đã kể với ông rằng: Khi hai ông đến treo cờ thì một đại đội Ngự lâm quân của Nhà Vua gồm 120 tay súng đã sẵn sàng nã đạn vào hai ông. Nhưng khi xin lệnh Bảo Đại nổ súng, Nhà Vua đã hỏi ý Nam Phương hoàng hậu rồi vội hô to “Chớ! Chớ! Không được bắn! Nếu ai bóp cò thì ta chết trước”. Nhờ lệnh đó mà ông còn đến ngày hôm nay... Chia tay ông, chúng tôi luôn cầu mong ông trường thọ.
Về thăm Trung đoàn 174 của Sư đoàn 316 đóng quân trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đón chúng tôi thắm thiết ân tình như những người anh em xa lâu ngày gặp lại. Cuộc gặp gỡ rất vui nhưng để lại trong mỗi chúng tôi nỗi băn khoăn là Trung đoàn 174 ở 2 miền đất nước chưa kết nối được với nhau, để có chung cuốn lịch sử truyền thống đầy đủ về Trung đoàn Cao- Bắc- Lạng oai hùng. Thăm phòng truyền thống của Trung đoàn, tôi bồi hồi bên những hiện vật bảo tàng thắm máu người lính, đặc biệt là lá cờ “quyết chiến quyết thắng”. Bất chợt trong tôi, hình ảnh lá cờ của Hồng quân Liên Xô tung bay trên đường phố Berlin năm 1945 và lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng tung bay trên đồi A1 (Điện Biên Phủ), tại thị xã Lộc Ninh (1972), trên thành phố Buôn Ma Thuột và thị xã Tân An (1975)... Và tôi lại nhớ đến gương mặt rạng rỡ của những người lính đầu tiên Trung đoàn, nhớ đến Trung tá Đặng Văn Việt, người Trung đoàn trưởng kính yêu của chúng tôi.
Trình Tự Kha