Trung đội nữ du kích Củ Chi được thành lập năm 1965, trong thời kỳ Mỹ ồ ạt đưa quân tham chiến trên toàn chiến trường miền Nam. Chúng đưa những sư đoàn quân tinh nhuệ xuống Củ Chi, lập phòng tuyến thứ 2 để bảo vệ Sài Gòn và làm căn cứ bàn đạp nhằm “tìm diệt” Việt Cộng trên các chiến khu biên giới.
“Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”, đội nữ du kích Củ Chi vừa trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu như đào hầm, tải đạn, tải lương thực, làm trinh sát,… vừa làm nhiệm vụ hậu phương lớn như sản xuất, chống bắt lính, vận động thanh niên gia nhập Quân giải phóng...
Ban đầu, chỉ có 3 người là bà Nguyễn Thị Nê (Bảy Nê) - xã đội phó xã Phú Hòa Đông, bà Trần Thị Nhỡ (Út Nhỡ) - xã đội phó xã Nhuận Đức và bà Lê Thị Sương (tức bà Năm Sương) lúc ấy đang tham gia đội du kích xã Trung Lập Thượng.
Bà Năm Sương nhớ lại, những ngày đầu thành lập, bà cùng Bảy Nê, Út Nhỡ chia nhau đi khắp nơi để kêu gọi chị em tham gia đội du kích. Dần dần, đội nữ du kích Củ Chi tập hợp được gần 20 chị em và được huyện đội đưa đi huấn luyện quân sự rồi chia thành từng tổ, nhập vào các đơn vị chiến đấu ở vành đai vòng ngoài, trực tiếp đối mặt với địch ở căn cứ Đồng Dù.
Ngoài việc động viên người dân tham gia tòng quân, đào hầm địa đạo, tải lương thực, đạn dược phục vụ chiến đấu, Trung đội nữ du kích Củ Chi bắt đầu đẩy mạnh tham gia các trận chống càn, hoá trang trinh sát, xây dựng cơ sở trong lòng địch…
Đầu năm 1966, tổ 3 người gồm bà Út Nhỡ, bà Nga và bà Năm Sương, nhận nhiệm vụ đánh Mỹ đi càn ở ngã ba Nhuận Đức. Trong trận này dựa vào các hầm chông, hố đinh, bãi trái (gài mìn tự tạo chế từ pháo lép của địch - PV) và hệ thống địa đạo liên hoàn, họ đã tiêu diệt tại trận 30 lính Mỹ và một xe tăng. Sau trận đó, tổ của bà tiếp tục củng cố chiến hào, đào thông thêm các địa đạo và đánh lui cả một trung đoàn ngụy càn vào làng.
Ở một trận đánh khác. “Khi đó là tháng 5/1967, đội trưởng Bảy Nê chỉ huy một tổ 3 người nhận nhiệm vụ đánh vào căn cứ Đồng Dù. Chúng tôi lần lượt vượt qua 26 lớp kẽm gai bùng nhùng gắn đầy mìn cóc và đèn chiếu sáng để vào trinh sát, nắm chắc vị trí từng chiếc xe tăng, khẩu pháo. Chỉ trong một đêm, tổ của chúng tôi đã dùng mìn định hướng và thuốc nổ, tấn công tiêu diệt 50 lính Mỹ, phá hủy 7 xe tăng và 5 khẩu pháo 105 mm, sau đó tất cả rút lui an toàn về căn cứ làm giặc kinh hồn bạt vía”, bà Năm Sương kể.
Cứ như thế, bằng cách đánh chớp nhoáng “xuất quỷ nhập thần”, tiếng tăm của Trung đội nữ du kích Củ Chi nổi lên như một nỗi sợ hãi đối với quân đội Mỹ - ngụy. Chiến công của Trung đội nữ du kích Củ Chi hồi đó, không chỉ nổi tiếng trên chiến trường miền Đông Nam bộ mà còn vang dội khắp cả nước: “… Ai đến An Nhơn, ai về An Phú/ Mỗi chiều nghe tiếng chị du kích quân hát rằng/ Quê ta là đất Củ Chi quân thù mà đến, có đi không ngày về…Chị em ta quyết thành dũng sĩ/ Diệt Mỹ xâm lăng, diệt lũ bạo tàn”.
Khi đất nước sạch bóng quân xâm lược, các nữ du kích trở về với cuộc sống đời thường. Sau những ngày tháng bộn bề lo toan, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng các nữ du kích vẫn sát cánh bên nhau. Ngày 15-11-1996, trước đền Bến Dược, Chi hội CCB nữ xã An Nhơn Tây được thành lập, dựa trên nền tảng truyền thống vẻ vang của Trung đội nữ du kích Củ Chi.
Trong các mô hình tiêu biểu phải kể đến mô hình nuôi dế của bà Trần Thị Lê, hội viên cựu chiến binh xã An Nhơn Tây. Trước đây, bà Lê có nuôi heo, bò, trùng, nhưng hiệu quả không cao. Hơn một năm nay, bà chuyển sang nuôi dế, bước đầu mang lại thu nhập cao cho gia đình. Mỗi tháng, gia đình bà bán ra thị trường gần 2 tấn dế, thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng. Còn Chi hội trưởng Cao Thị Thu hiện đang làm chủ một trang trại với hàng chục con heo nái, heo thịt, cùng hơn 10 con bò sữa và đàn gà cho thu nhập cao…
Mô hình nuôi dế của bà Trần Thị Lê
Trang trại nuôi heo và bò sữa của Chi hội trưởng Cao Thị Thu