Hình minh họa
Bộ GTVT đề xuất lùi thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 sân bay Long Thành
Bộ GTVT đề xuất đầu tư xây dựng thêm đường cất hạ cánh (CHC) số 3 vào giai đoạn 1 của dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, cũng như điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án này đến năm 2026.
Lý giải về đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án đến năm 2026, Bộ GTVT cho rằng, việc điều chỉnh phân kỳ xây dựng đường CHC số 3 từ giai đoạn 3 của dự án sang giai đoạn 1 là nội dung thay đổi so với Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội và là nội dung thay đổi về quy mô của giai đoạn 1.
Do tiến độ thực hiện đầu tư đường CHC số 3 khoảng 24 tháng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư (khoảng 12 tháng chuẩn bị và 12 tháng thi công), nên trường hợp được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2024, sẽ hoàn thành đường CHC số 3 vào cuối năm 2026.
Ngoài ra, quá trình thực hiện giai đoạn 1 cũng có những khó khăn như thời gian chuẩn bị đầu tư dự án khoảng 5 năm do thực hiện các thủ tục theo quy định mất nhiều thời gian. Thời gian thực hiện dự án cũng gặp một số khó khăn, dẫn tới chưa đáp ứng tiến độ. Do đó, Bộ GTVT đánh giá đến năm 2026, các dự án thành phần mới có thể hoàn thành.
TP.HCM kiến nghị 1.368 tỉ đồng giải phóng mặt bằng cao tốc TP.HCM – Mộc Bài
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa có Văn bản số 13705/SKHĐT - PPP gửi UBND Thành phố đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Căn cứ vào nhu cầu vốn thực hiện Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND Thành phố có công văn báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho Dự án là 1.368 tỷ đồng.
Số vốn này sẽ được Thành phố dùng để thực hiện Dự án thành phần 3 (hỗ trợ bồi thường, tái định cư) đoạn qua TP.HCM.
Hiện nay, TP.HCM đang tiến hành đo đạc kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất để ban hành các quyết định thu hồi đất. Khi được bố trí vốn sẽ tiến hành chi trả cho người dân để giải phóng mặt bằng. Dự kiến TP.HCM sẽ bàn giao mặt bằng từ tháng 4/2025 để tiến hành thi công Dự án.
Cầu Cần Thơ 2 nên xây dựng theo phương án vốn đầu tư 19.800 tỉ hay 27.500 tỉ đồng?
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa trình Bộ Giao thông Vận tải báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cầu Cần Thơ 2. Theo báo cáo này, có hai phương án được chủ đầu tư đề xuất gồm:
Phương án 1, cầu dài hơn một km, trong đó chiều dài nhịp cầu chính là 0,55 km; đường sắt đi riêng với đường bộ. Dự án có tổng chi phí đầu tư gần 19.800 tỉ đồng, gồm: gần 12.900 tỉ đồng dành cho xây lắp, hơn 2.600 tỉ đồng phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư, còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí dự phòng.
Với phương án 2, cầu dài hơn 1,1 km, trong đó chiều dài nhịp cầu chính là 0,55 km, đường bộ đi chung đường sắt (ở bên trên). Công trình có tổng dự toán khoảng 27.500 tỷ đồng, phần xây lắp, thiết bị hơn 18.540 tỉ đồng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 2.820 tỉ đồng, còn lại là quản lý dự án, tư vấn, chi phí dự phòng.
Theo phương án đưa ra, cầu có 4 làn xe, rộng 24,75 m; nhịp chính kết cấu dây văng, sử dụng riêng cho đường bộ; khổ thông thuyền rộng 300 m, trong đó luồng chính rộng 160 m, cao 39 m; luồng hai bên cao 30 m. Dự án nằm cách cầu Cần Thơ hiện hữu (khánh thành năm 2010, tổng đầu tư 4.832 tỉ đồng) khoảng 4,5 km, về phía hạ lưu; dự kiến khởi công năm 2026, hoàn thành năm 2029.
Loạt dự án ưu tiên đầu tư tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án đầu tư xây dựng/chương trình/đề án phục vụ phát triển đô thị đến năm 2030 dự kiến khoảng 59.569,9 tỷ đồng (nguồn vốn đầu tư toàn xã hội).
Trong đó, giai đoạn 2021- 2025 là 12.114,8 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 47.455,1 tỷ đồng. Nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết danh mục dự án hạ tầng khung, đầu mối hạ tầng kỹ thuật đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
Cụ thể, danh mục dự án hạ tầng khung, đầu mối hạ tầng kỹ thuật đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách giai đoạn đến năm 2025 gồm: 5 dự án về môi trường; 2 dự án chỉnh trang đô thị; 1 dự án thủy lợi; 6 dự án giao thông; 5 dự án giáo dục; 4 dự án y tế; 2 dự án hạ tầng thương mại; 2 dự án trụ sở, cơ quan; 3 dự án khoa học công nghệ; 7 dự án hạ tầng khu dân cư, tái định cư khu đô thị mới, KCN, CCN; 2 dự án lao động thương binh xã hội;...
Danh mục dự án hạ tầng khung, đầu mối hạ tầng kỹ thuật đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2026 – 2030 gồm: 3 dự án thủy lợi; 26 dự án giao thông; 6 dự án chỉnh trang đô thị; 9 dự án hạ tầng khu dân cư, tái định cư khu đô thị mới, KCN, CCN;…
Nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết danh mục dự án phát triển đô thị kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Cụ thể, kêu gọi đầu tư 50 dự án khu dân cư, tái định cư, khu đô thị mới gồm: Khu đô thị mới Phủ Hà; Khu đô thị mới Bờ sông Dinh; Khu đô thị mới bờ Bắc sông Dinh, phường Phước Mỹ và phường Bảo An; Hạ tầng Khu phố Đông Hải; Khu đô thị mới Tây Bắc, phường Phước Mỹ; Khu đô thị mới Đông Bắc (khu K3); Khu đô thị mới Đông Nam 1; Khu đô thị mới Đông Nam 2; Khu đô thị mới Đông Nam mở rộng;…
Đề xuất hơn 84.700 tỉ đồng xây đường sắt nối Thủ Thiêm với sân bay Long Thành
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan đóng góp ý kiến vào dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các nội dung ý kiến, kiến nghị tập trung vào: tính cấp thiết của dự án, quy hoạch tuyến đường, nhu cầu quỹ đất, phương án kết nối các ga và giải pháp giải phóng mặt bằng.
Trước đó, liên danh tư vấn TEDI – TEDIS đã đưa ra báo cáo tiền khả thi với dự án này với đề xuất xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành dài 48 km đi qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai với tổng mức đầu tư khoảng 84.752 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là 5.504 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt này sẽ được xây dựng trên cao, qua cầu vượt sông và đi trên nền đất dài 30 km, còn lại đi qua hầm dài hơn 15 km. Trên tuyến có 20 ga, bao gồm 16 ga đi trên cao và 4 ga đi ngầm tại khu vực gần đến sân bay Long Thành. Đây là tuyến vận chuyển hành khách khối lượng lớn (MRT), tốc độ thiết kế 120 km/h, tốc độ tàu vận hành tối đa 110 km/h trên chính tuyến và 80 km/h trong đường ngầm.
Theo kế hoạch dài hạn, từ 2035-2045, tuyến sử dụng 9 đoàn tàu 4 toa; giai đoạn 2045-2055 sử dụng 28 đoàn tàu 4 toa và giai đoạn sau 2055 sử dụng 31 đoàn tàu 6 toa. Đoàn tàu được đề xuất sử dụng công nghệ động lực phân tán (giống công nghệ tại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam).
Bộ GTVT chỉ đạo gỡ vướng mặt bằng, vật liệu để hoàn thành 3.000km cao tốc
Tại phiên họp lần thứ 13 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Bộ GTVT đã báo cáo về tình hình triển khai các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025.
Tổng chiều dài cao tốc khoảng 1.172km, trong đó 1.104km có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025 và 68km theo kế hoạch hoàn thành năm 2026, có thể rút ngắn tiến độ để hoàn thành vào năm 2025.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất bổ sung dự án thành phần 2, dự án Cao Lãnh - An Hữu dài 16km vào danh mục dự án hoàn thành năm 2025.
Đến nay, có 28 dự án/dự án thành phần dự kiến hoàn thành trong năm 2025, được chia làm 3 nhóm dự án.
Nhóm 1 gồm 13 dự án/dự án thành phần hoàn thành năm 2025 (736km) cơ bản không còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nhóm 2 gồm 9 dự án/dự án thành phần cần tập trung tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành trong năm 2025 (300km).
Nhóm 3 gồm 6 dự án/dự án thành phần và đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc dự án Bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài 152km có kế hoạch hoàn thành năm 2025.
Đề xuất đưa một số đoạn cao tốc Bến Lức – Long Thành vào khai thác từ tháng 11/2024
Ngày 10/10, thông tin từ Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi Cục đường bộ Việt Nam về đề nghị phê duyệt phương án tổ chức giao thông giai đoạn khai thác tạm dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Trên cơ sở tiến độ của các gói thầu, VEC đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt phương án tổ chức giao thông khai thác tạm thời đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với thời gian dự kiến theo đoạn tuyến.
Cụ thể các đoạn này gồm, đoạn từ nút giao Trung Lương đến nút giao QL1A (dài 3,4km) và đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao QL51(dài 6,1km) sẽ khai thác tạm từ tháng 11. Đoạn từ nút giao QL1A đến nút giao Tân Tạo (dài 18,8km) sẽ khai thác tạm vào quý I-2025.
Các phương tiện lưu thông ở ba mức tốc độ, cao nhất là 100km/h (tương ứng khoảng cách tối thiểu với tốc độ này là 70m); 80km/h (khoảng cách an toàn tối thiểu là 55m); tốc độ trên 60km/h (tương ứng khoảng cách an toàn tối thiểu 35m).
Hoàng An