Ngày 12/11, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3011 về kết quả rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Trung Quốc (vụ việc ER02.AD01).
Trên cơ sở kết quả rà soát, cùng với các quy định của WTO, Luật Quản lý ngoại thương, các văn bản hướng dẫn và ý kiến từ các bên liên quan, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt và không gia hạn biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ các quốc gia này.
Bộ Công Thương dừng áp thuế chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu
Vụ việc bắt đầu từ tháng 9/2014, khi Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Trung Quốc. Mức thuế dao động 3,07 - 37,29%. Thời gian áp dụng là 5 năm.
Đến tháng 10/2019, sau khi rà soát cuối kỳ lần 1, Bộ Công Thương tiếp tục gia hạn thêm 5 năm.
Trong lần rà soát này, Bộ Công Thương xác định hành vi bán phá giá ít có khả năng tái diễn sau khi biện pháp thuế chấm dứt. Ngành sản xuất trong nước đã khắc phục được thiệt hại đáng kể trước đó sau 10 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Mức thuế chống bán phá giá Việt Nam áp dụng với các nước theo quyết định 7896/QĐ-BCT năm 2014
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi sát tình hình nhập khẩu một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội từ các nguồn vào Việt Nam để kịp thời có biện pháp phù hợp, theo đúng cam kết quốc tế và pháp luật trong nước nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước cũng như của người tiêu dùng.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gần 12,3 triệu tấn sắt thép, trị giá khoảng 9 tỷ USD, tăng mạnh 31,7% về lượng và tăng 19% kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình đạt 729,5 USD/tấn, giảm 9,7% về giá so với 9 tháng năm 2023.
Riêng tháng 9/2024, nhập khẩu gần 1,55 triệu tấn sắt thép, tương đương trên 1,06 triệu USD, giá trung bình 688 USD/tấn, tăng 15,4% về lượng, tăng 4,3% về kim ngạch nhưng giảm 9,6% về giá so với tháng 8/2024.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất trong tháng 9 đến từ Trung Quốc, với 8,31 triệu tấn, tương đương gần 5,36 tỷ USD, giá 644,5 USD/tấn, tăng 50,6% về lượng, tăng 37,8% kim ngạch nhưng giảm 8,5% về giá so với 9 tháng đầu năm 2023.
Đáng chú ý, thị trường này chiếm 67,6% trong tổng lượng và chiếm 59,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), hiện Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất thép với quy mô sản xuất có thể đạt đến 30 triệu tấn trong năm 2024.
Tuy nhiên, ngành thép hiện đang gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của thị trường bất động sản, giá nguyên liệu tăng, tồn kho lớn và ảnh hưởng từ thép giá rẻ Trung Quốc.
Trong năm 2023, lượng sắt thép của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đạt 8,2 triệu tấn, tương đương hơn 5,6 tỷ USD, chiếm 62% trong tổng lượng và chiếm 54% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của nước ta.
Lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm phần lớn chủ yếu do giá bán từ thị trường này thấp hơn các thị trường khác từ 30 - 70 USD tùy từng loại sản phẩm. Điều này xuất phát từ thực tế, Trung Quốc vẫn đang "thừa thép", tiêu thụ nội địa giảm buộc các nhà sản xuất thép nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá thấp để giải phóng bớt hàng tồn kho.
Hiện Trung Quốc đang là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu thép, với khoảng 500 nhà máy thép các loại, tổng công suất khoảng 1,17 tỷ tấn thép/năm vào năm 2023.
Do nguồn cung thép lớn hơn nhiều so với nhu cầu trong nước, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã bắt đầu bán phá giá thép ở thị trường nước ngoài. Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi làn sóng xuất khẩu thép của Trung Quốc.
Thiên An