Ngày nay về thăm xứ Trảng, chắc ai cũng nhận ra sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất phía Nam tỉnh. Sự đổi thay ấy không chỉ tập trung ở khu vực nội ô Thị trấn- vừa được công nhận đô thị loại IV, mà còn ở các xã đã và đang tập trung xây dựng nông thôn mới. Do nằm ở vị trí tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh nên trong đấu tranh giành độc lập cũng như trong giai đoạn kiến thiết dựng xây, Trảng Bàng là một trong những huyện đi tiên phong của tỉnh.
1452 lượt xem
Những ngày tháng Tám ở Trảng Bàng 71 năm trước
Cán bộ lão thành cách mạng phát biểu tại buổi toạ đàm về truyền thống
đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân dân thị trấn Trảng Bàng anh hùng.
Ngày nay về thăm xứ Trảng, chắc ai cũng nhận ra sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất phía Nam tỉnh. Sự đổi thay ấy không chỉ tập trung ở khu vực nội ô Thị trấn- vừa được công nhận đô thị loại IV, mà còn ở các xã đã và đang tập trung xây dựng nông thôn mới. Do nằm ở vị trí tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh nên trong đấu tranh giành độc lập cũng như trong giai đoạn kiến thiết dựng xây, Trảng Bàng là một trong những huyện đi tiên phong của tỉnh. Huyện đã 2 lần được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những ngày này cách đây 71 năm, ở Trảng Bàng từ huyện lỵ cho đến các xã vùng sâu đều sục sôi khí thế cách mạng.
Qua lời kể của các bậc cao niên, cũng như qua tìm hiểu trong tư liệu lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân dân huyện Trảng Bàng anh hùng, được biết hồi ấy- thực hiện Chỉ thị “nắm Thanh niên Tiền phong” của Xứ uỷ, phong trào đấu tranh cách mạng ở Trảng Bàng đã tập hợp được rộng rãi các tầng lớp quần chúng nhân dân. Lực lượng nòng cốt tham gia phong trào đấu tranh cách mạng ở khu vực thị trấn Trảng Bàng là thanh niên, học sinh và các tầng lớp dân nghèo thành thị. Phong trào còn lôi cuốn được một bộ phận công chức. Ở các xã, ngoài thanh niên nông thôn, phong trào còn tập hợp được một số hương chức. Nhờ vậy mà lúc này ở Trảng Bàng có hai phong trào quần chúng hoạt động song song. Đó là phong trào hoạt động bí mật của các Hội Cứu quốc và phong trào hoạt động công khai của Thanh niên Tiền phong. Tổ chức Đảng của huyện đã nắm được đại bộ phận lực lượng quần chúng, đưa các phong trào đấu tranh cách mạng tiến lên thành cao trào. Đi đôi với tuyên truyền chương trình Việt Minh, các tổ chức Hội Cứu quốc và phong trào Thanh niên Tiền phong còn tích cực chuẩn bị vũ khí tiến tới đấu tranh vũ trang. Các ông Lê Phẩm Ba, Huỳnh Hà (hoạt động khu vực Thị trấn, An Tịnh, Lộc Hưng), Trịnh Bá Thơ, Bùi Văn Hà cùng một người tên là Lên (hoạt động khu vực Đôn Thuận, Bàu Đồn) tìm mua và xin được một số vũ khí như súng trường, súng lục. Các ông còn tổ chức cho Thanh niên Tiền phong và các Hội Cứu quốc chuẩn bị giáo mác, tầm vông vạt nhọn, gậy gộc… cất giấu kỹ chờ ngày hành động.
Tại xã Gia Lộc, cách mạng đã vận động được một chủ đồn điền cao su (người Việt quốc tịch Pháp) ủng hộ tiền mua súng để trang bị cho Thanh niên Tiền phong. Một số hương chức ở đây được vận động đã đem giao nộp vũ khí. Ở xã Gia Lộc có ông Nguyễn Văn Ngộ đã vận động được 20 thợ mộc tập trung tại đình Gia Lộc đóng ná, đẽo tên. Hai ông Ba Rông, Tám Của tự động mở lò rèn để rèn dao găm, mác trang bị cho lực lượng Thanh niên Tiền phong. Lò rèn của ông thợ Mười (ấp Gia Tân) chuyên rèn dao găm, mã tấu… Xưởng mộc của ông Phạm Văn Trừ (ở Lộc Trát) có trên 30 thợ chuyên đóng ná, đẽo tên, nấu thuốc độc tẩm tên- cũng để trang bị cho Thanh niên Tiền phong. Hai ông Tư Đôi và Hai Giang hướng dẫn thanh niên tập võ, đánh kiếm. Các mẹ, các chị khẩn trương chuẩn bị lương khô cho lực lượng khởi nghĩa. Nhiều gia đình tự nguyện dự trữ lương thực cho lực lượng chiến đấu. Băng cờ, khẩu hiệu cũng được chuẩn bị chu đáo. Phong trào ở khu vực thị trấn Trảng Bàng cũng phát triển khá mạnh.
Sau khi nhận được chỉ thị tổ chức mít tinh ủng hộ Việt Minh, chuẩn bị cướp chính quyền của tỉnh, các đồng chí ở Trảng Bàng đã họp bàn thống nhất kế hoạch hành động và thành lập Uỷ ban Chỉ đạo khởi nghĩa gồm các ông Huỳnh Hà, Lê Phẩm Ba và ông Lên.
Ở miền Bắc, ngày 19.8.1945, nhân dân Hà Nội đứng lên cướp chính quyền thắng lợi. Đồng loạt các nơi trong nước cũng vùng lên giải tán bộ máy kềm kẹp của bọn thực dân và tay sai. Sáng sớm ngày 25.8.1945, tại sân vận động Tây Ninh diễn ra cuộc mít tinh với hơn 5.000 người dự. Cũng vào khoảng thời gian này, tại quận lỵ Trảng Bàng có hơn 2.000 người từ các xã xung quanh đội ngũ chỉnh tề kéo về quận lỵ. Hàng trăm thanh niên trang bị tầm vông vạt nhọn, giáo mác kéo qua các đường phố chính ở trung tâm huyện lỵ Trảng Bàng. Tất cả đều trong tư thế sẵn sàng. Đúng 8 giờ cuộc mít tinh bắt đầu. Ông Huỳnh Hà với tư cách là đại biểu Việt Minh nêu rõ: “Nhật đầu hàng Đồng Minh, chính quyền ở Hà Nội, Sài Gòn và các nơi khác đã về tay Việt Minh. Đồng bào ở Trảng Bàng hãy ủng hộ Việt Minh và sẵn sàng đứng lên cướp chính quyền”. Những người dự mít tinh hô vang khẩu hiệu: “Chính quyền về tay Việt Minh! Việt Minh muôn năm!”. Sau buổi mít tinh, Uỷ ban Chỉ đạo khởi nghĩa và nhiều cán bộ trung kiên cùng với lực lượng thanh niên vũ trang dẫn đầu cuộc biểu tình quần chúng diễu hành qua các đường phố thị trấn Trảng Bàng, qua quận đường, rồi toả ra các xã. Bọn tề, lính làng xã, kể cả lính Nhật không dám phản ứng, một số tên tay sai của Nhật, Pháp trốn khỏi nhiệm sở.
Tối hôm đó, các ông Huỳnh Hà, Lê Phẩm Ba và các vị trong Uỷ ban Chỉ đạo khởi nghĩa cùng khoảng 30 Thanh niên Tiền phong được trang bị 2, 3 khẩu súng, số còn lại giáo mác bao vây quận đường. Tên quận trưởng Huỳnh Tường Tấn nghe động ra lệnh khoá chặt cổng. May có ông Sáu Phiên là thư ký quận đã được phía cách mạng móc nối trước ra mở cổng rước vào. Tuy không dám chống cự nhưng cũng phải qua mấy giờ đồng hồ giằng co, tên Tấn mới đồng ý giao chính quyền cho cách mạng. Khoảng 9, 10 giờ đêm, lực lượng cách mạng chiếm hoàn toàn huyện đường. Tên quận trưởng và nhiều tên khác trong bộ máy tay sai của chúng phải cúi đầu chịu tội, sau đó chúng được cách mạng giáo dục và thả.
Quận đường Trảng Bàng về tay nhân dân, tin đã được truyền đi khắp nơi trong huyện. Rạng sáng hôm sau cờ đỏ sao vàng đã phấp phới tung bay trên nóc quận đường và khắp nơi trong khu vực thị trấn Trảng Bàng.
(BTNO)
(Bài viết dựa vào quyển “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân dân huyện Trảng Bàng anh hùng (1945- 1975)” do Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Trảng Bàng xuất bản năm 1997).