Những ngày tháng tư lịch sử, hòa vào không khí kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đọc “Những nẻo đường chinh chiến”, ký ức về sự hy sinh anh dũng của những người lính vì độc lập, tự do cho dân tộc thêm một lần nữa lại được tái hiện, vô cùng xúc động.
Đây là cuốn hồi ký của tác giả Dương Công Hợi, một cựu chiến binh của Trung đoàn 271 nhớ lại, viết lại một quãng đời hy sinh gian khổ của ông và đồng đội, đã chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sách "Những nẻo đường chinh chiến" được viết dưới dạng ký (Ảnh: HNV)
Tác giả cuốn sách, cựu chiến binh Dương Công Hợi năm nay đã hơn bảy mươi, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con thuộc xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Mùa hè năm 1964, khi Dương Công Hợi chuẩn bị vào lớp 7 thì xảy ra “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, đáp lời kêu gọi tòng quân cứu nước, anh trai Dương Công Hợi đã lên đường nhập ngũ. Chưa đầy một năm sau, khi vừa tròn 18 tuổi, Dương Công Hợi tạm biệt mẹ già người thân, xếp bút nghiên tiếp bước lên đường ra trận.
Các trang đầu của “Những nẻo đường chinh chiến” đưa người đọc về với ngày Dương Công Hợi nhập ngũ và những ngày huấn luyện vất vả để tôi rèn nên một chiến sỹ thông tin. “Những nẻo đường chinh chiến” đã đưa người chiến binh từ quê hương qua Lào, về Tây Nguyên, qua Campuchia về miền Đông Nam Bộ. Từ Đông Nam Bộ, đoàn binh lại trở về Nam Tây Nguyên với trận đánh Bù Bông, mở thông đường 14 từ Tây Nguyên vào Nam Bộ.
Đọc “Những nẻo đường chinh chiến” ta thấy khí thế tiến công hừng hực từ Bù Đăng qua Bù Đốp, Phước Long đến Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Đức Hòa, Long An cùng toàn quân, toàn dân hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cuốn hồi ký còn mô tả chân thực những khó khăn, gian khổ, những ác liệt hy sinh mà những người lính từng nếm trải, còn cho ta thấy nghĩa tình đồng đội của những người chiến binh và cựu chiến binh thật là sâu nặng. Lúc xung trận thì sẵn sàng sẻ chia sự sống và cái chết, khi về với đời thường thì luôn tìm đến nhau giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, cũng cho ta thấy sự ấm lòng, đầy tình cảm quân dân, cá nước...
Trở về sau chiến tranh với nỗi lo thường nhật, Dương Công Hợi vẫn luôn đau đáu nhớ về những năm tháng chiến chinh. Nhiều lần ông muốn viết “ Những nẻo đường chinh chiến”. Vậy mà phải 28 năm sau, khi đã ở tuổi 70, ông mới vượt qua được rào cản tâm lý để hoàn thành cuốn sách. Đọc sách ta càng thêm yêu quý người chiến binh và nỗi nhớ về một thời chinh chiến.
Tinh thần xuyên suốt của cuốn sách là lời nhắn nhủ của tác giả với dụng ý “Chúng ta mãi là đồng đội”, rằng: “Chiến tranh đã đi qua. Đất nước đã thống nhất. Cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Chúng tôi muốn gửi lại tất cả những vinh quang, gian khổ, những niềm vui nỗi buồn tới bạn đọc để từ đó mỗi chúng ta có được niềm tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất của biết bao thế hệ cha ông ta. Mỗi chúng ta sẽ càng hiểu sâu sắc hơn cái giá của Độc lập – Tự do mà chúng ta giành được đã phải trả giá đắt như thế nào, để từ đó có động lực vươn lên phấn đấu cho một nền hòa bình bền vững, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và giàu đẹp trên đất nước Việt Nam thân yêu”.
Nguồn: dangcongsan.vn