Mô hình "nuôi bò vỗ béo" tại Chốt dân quân thường trực Hưng Điền. Ảnh: Biện Cường
Nhờ đồng đội giúp đỡ nhiều ngày công cùng với sự hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng của Quân khu 7 và 40 triệu đồng của UBND tỉnh Long An, ngôi nhà hoàn thành và đưa vào sử dụng với diện tích 120m2. Nền và tường nhà được ốp gạch hoa tạo không gian sạch sẽ, thoáng mát để các cháu nhỏ vui chơi, học tập. Từ lúc có được căn nhà mới, vợ anh Thả quyết định nghỉ làm công nhân, cùng tham gia lực lượng dân quân với chồng tại Chốt dân quân biên giới ấp Cả Trốt, giữ bình yên một góc biên cương. Xúc động trước tình cảm của đồng đội, cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho gia đình, anh Lê Văn Thả chia sẻ: “Ngôi nhà là mơ ước của vợ chồng tôi bấy lâu nay. Không biết nói gì hơn, xin được cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm, giúp đỡ của thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ CHQS tỉnh Long An, chính quyền các cấp cũng như các đồng đội dành cho gia đình tôi. Vợ chồng tôi sẽ luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao để góp phần nhỏ trong công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng cuộc sống bình yên nơi biên giới”.
Tại biên giới huyện Tân Hưng, đồng chí Nguyễn Thành Trung đã xem chốt như ngôi nhà thứ hai để cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra bảo vệ địa bàn và giúp đỡ Nhân dân vùng biên. Chia sẻ cuộc sống của bản thân, đồng chí Trung cho biết: “Tháng 7-2022, gia đình tôi được Bộ CHQS tỉnh Long An tặng 60 triệu đồng để xây dựng căn nhà tình nghĩa quân dân. Từ ngày có căn nhà mới, cuộc sống gia đình đã thuận lợi hơn. Trong tâm tôi luôn nghĩ phải cố gắng để làm tròn nhiệm vụ được giao và xây dựng hạnh phúc gia đình để không phụ lòng quan tâm của đồng đội và mọi người”.
Cùng với mô hình "Ngôi nhà đồng đội", mô hình “Hỗ trợ vốn sản xuất cho chốt dân quân” cũng được LLVT tỉnh Long An triển khai hiệu quả thời gian qua.
Giữa cái nắng tháng 6 chói chang của miền biên giới, hệ thống vườn tăng gia tại các chốt dân quân vẫn giữ được màu xanh ngát. Tại Chốt dân quân thường trực Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, bước vào cổng chính, phía hai bên, trên các công sự chiến đấu, hệ thống giàn bầu, mướp trĩu quả đã đến kỳ thu hoạch. Phía sau doanh trại được quy hoạch thành khu trồng cây ăn quả như: Chuối, ổi, bưởi; trồng các loại rau xanh và khu chăn nuôi kết hợp ao cá. Đồng chí Phạm Chí Thành, Tiểu đội trưởng Chốt dân quân thường trực Bình Thạnh chia sẻ: “Thành quả hôm nay của chốt là nhờ sự giúp đỡ của cấp trên hỗ trợ nguồn vốn tăng gia sản xuất. Trước đó, năm 2022, Huyện ủy, UBND huyện Mộc Hóa đã hỗ trợ cho chốt 9 con bò giống tặng các chiến sĩ”.
Đối với Chốt dân quân thường trực Hưng Điền, huyện Tân Hưng, mô hình “Nuôi bò vỗ béo” mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng nguồn thức ăn phong phú từ các đồng cỏ và các phế phẩm từ nhà máy chế biến bắp, mỗi đợt, chốt mua 20 con bê từ một hợp tác xã trên địa bàn và vỗ béo từ 1 đến 2 tháng, sau đó bán lại cho hợp tác xã. Lợi nhuận mang lại cho chốt từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/con. Từ đó, chốt có nguồn vốn cố định để tái sản xuất, nâng cao đời sống chiến sĩ.
Thượng tá Nguyễn Như Hiếu, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tân Hưng cho biết: “Huyện Tân Hưng có 3 chốt dân quân biên giới là Hưng Hà, Hưng Điền B và Hưng Điền. Để điều kiện cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên, Ban CHQS huyện tham mưu cho Huyện ủy đầu tư kinh phí sửa chữa doanh trại và hỗ trợ tăng gia sản xuất cho các chốt. Ngoài ra, UBND các xã biên giới chủ động hỗ trợ và xã hội hóa nguồn vốn, vật chất... giúp đỡ các chốt. Theo đó, tổng kinh phí hỗ trợ cho 3 chốt hơn 1,3 tỷ đồng”. Với những mô hình thiết thực, hiệu quả đó, đời sống vật chất, tinh thần của các chiến sĩ đã được nâng lên. Điều đó góp phần không nhỏ trong việc xây dựng sức mạnh phòng thủ trên tuyến biên giới.