Tỉnh Long An có trên 130km đường biên giới với nước bạn Campuchia. Trên suốt tuyến biên giới ấy, có hàng trăm hộ gia đình chồng là người Việt Nam, vợ là người Campuchia hoặc chồng là người Campuchia, vợ là người Việt Nam. Hàng ngày, họ tích cực phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái, góp phần xây dựng khu dân cư biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định.
Gia đình Nguyễn Văn Việt bên đàn bò từ chính sách hỗ trợ của nhà nước
Anh Nguyễn Văn An và chị Võ Thị Châu sống tại ấp 3, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường chỉ cách xã Xét, huyện Svay – Riêng, Campuchia khoảng 1km. Công việc chính trong ngày của vợ chồng anh chị là chăm sóc, theo dõi 3 hecta lúa, mỗi năm 3 hecta ấy mang về cho anh chị ít nhất là 30 tấn lúa, có năm đạt gần 50 tấn. Năm 2007, gia đình anh chị được nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống, anh chị đã phát triển lên thành đàn bò 13 con, năm ngoái, anh An và chị Châu đã bán đi 5 con để xây căn nhà mới ổn định cuộc sống. Ngoài thu nhập chính từ chăn nuôi, trồng lúa, anh chị còn có thêm nguồn thu nhập từ bắt ếch và bẫy chuột, mỗi tối đặt bẫy anh chị kiếm thêm từ 50 đến 100 ngàn đồng. Anh An vốn là trẻ mồ côi Campuchia lạc sang Việt Nam thời nạn diệt chủng Pôn Pốt, được một gia đình người Việt nuôi nấng, dạy dỗ, giúp anh xây dựng gia đình riêng. Đến nay anh chị đã có với nhau 3 đứa con cả trai và gái. Anh Nguyễn Văn An cho biết: Việt Nam giờ là quê hương của anh và anh chị toại nguyện với cuộc sống đang có.
Ở ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa cũng có 4 gia đình có vợ hoặc chồng là người nước bạn Campuchia. Trong số 4 gia đình ấy, trẻ nhất và khó khăn hơn cả là gia đình anh Nguyễn Văn Việt, vợ anh: chị Nguyễn Thị Khon, tên Campuchia là Sam Khon, quê xã Tà Lọt bên kia biên giới. Anh chị không có đất canh tác, thu nhập chính từ công việc làm thuê, làm mướn, bắt ếch, bẫy chuột, cũng chính từ đi làm thuê, làm mướn mà anh chị bén duyên với nhau. Mặc dù còn ở nhà tranh vách đất nhưng anh chị cũng đã mua sắm đầy đủ vật dụng phục vụ sinh hoạt như tivi, xe máy đời mới, nuôi dạy con cái ăn học đầy đủ. Từ một con bò giống nhà nước hỗ trợ, đến nay anh chị đã nhân lên được 3 con. Anh chị phấn khởi cho biết đây là nguồn kinh phí quan trọng cùng với số vốn tích lũy để sắp tới anh chị sẽ xây dựng ngôi nhà mới. Anh Việt tâm sự “Dù đời sống còn khó khăn nhưng vợ chồng tôi xác định sẽ gắn bó với mảnh đất vùng biên này. Ở đây bà con sống với nhau rất chân thành, tối lửa tắt đèn có nhau. Bà con trong ấp cũng có mối quan hệ thân thiết với nhân dân bên kia biên giới. Vợ chồng tôi thường xuyên đăng ký với đồn biên phòng sang thăm nhà vợ bên Tà Lọt và bên ngoại thỉnh thoảng cũng sang thăm gia đình tôi.” Còn ông Lê Nhật Trường, Bí thư xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa cho biết: “Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những gia đình này về thủ tục hành chính như đăng ký kết hôn, đăng ký hộ khẩu… địa phương thường xuyên rà soát, lập danh sách những hộ khó khăn để có phương án hỗ trợ giúp họ ổn định, yên tâm làm ăn sinh sống.”
Biên giới tỉnh Long An hiện có rất nhiều gia đình như vậy, không thiếu những gia đình điều kiện kinh tế khá giả, với họ chẳng đâu bằng nơi họ đang sinh sống nên họ trân trọng, gìn giữ những gì mà họ có. Và những gia đình hiện thân cho tình cảm đoàn kết, gắn bó giữa 2 dân tộc Việt Nam – Campuchia đang cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân hai nước chung tay phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên mảnh đất biên cương hướng Tây Nam của Tổ quốc.
Bài, ảnh: THẾ HIỀN