Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, 5 đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định với tổng số gần 100 đội viên đã bất ngờ, đồng loạt tấn công 5 mục tiêu trọng yếu ngay tại sào huyệt “đầu não” của địch. Ai cũng hiểu rõ tham gia trận đánh lần này là thập tử nhất sinh, phần chết nhiều hơn phần sống. Nhưng, tất cả đều mỉm cười chấp nhận.
Chấp nhận “dễ đi mà khó về”
“Cuối năm 1967, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định (F100) nhận lệnh tập trung về 2 căn cứ ở huyện Củ Chi và Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh). Từ trước đến nay, F100 hoạt động bí mật, không ai biết mặt ai. Họ dù gặp mặt trên đường cũng không thể biết thân phận, nhiệm vụ của nhau. Nên khi về căn cứ, anh em trong đơn vị vui mừng vì có cơ hội gặp gỡ. Tại đây, F100 tập huấn chiến thuật đánh địch trong nội đô, thực hành sử dụng nhiều loại vũ khí.”, ông Ngô Bá Chính, người trực tiếp tấn công Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bồi hồi nhớ lại.
Ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) chia sẻ: “Cấp trên xác định với chúng tôi rằng, giờ là phút giây lịch sử của dân tộc, đồng chí nào dám nghĩ dám làm thì tiến lên phía trước; đi chuyến này thập tử nhất sinh, phần chết nhiều hơn phần sống”. Nghe xong, tất cả chiến sĩ biệt động đều tiến lên phía trước. Ông Bảy Hôn còn được cấp trên là ông Tư Tăng (tức Nguyễn Văn Tăng) gợi ý cho về thăm nhà, tổ chức đám cưới với cô y sĩ đã hẹn ước từ 2 năm. Nghe vậy, ông kiên định: “Trận này là trận cuối, em biết, các anh phải để em tham gia. Nếu còn sống, em sẽ về cưới vợ”.
Đồng đội với ông Bảy Hôn, ông Nguyễn Đức Hòa, năm nay 70 tuổi, nhớ về câu chuyện từ nửa thế kỷ trước, ông vẫn chưa quên không khí sôi sục ngày ấy. Ông Hòa cho biết, có nhiều anh em bị thương, nhưng nghe sắp có đánh lớn, cũng xung phong lên đường. “Cái hay nhất của những người chiến sĩ Biệt động là tự nguyện tham gia cách mạng, chiến đấu trong nội thành. Không ai bắt ép ai”, ông Hòa nói.
Đi thì cùng đi, ở thì cùng ở
29 Tết Mậu Thân 1968, nữ giao liên Vũ Minh Nghĩa dẫn tất cả Đội 5 từ Trảng Bàng (Tây Ninh) về nội thành Sài Gòn. Bà Nghĩa nhớ lại, mọi người ăn mặc lịch sự, “tự nhiên” đi xe lam, honda, hòa vào dòng người thăm hỏi, chúc tết. Đến chiều, 17 người có mặt ở nhà ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế) trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 3).
Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn, phát biểu tại hội thảo “Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đến tận lúc này, ông Bảy Hôn băn khoăn lắm, nghe nói đánh lớn mà chưa biết vũ khí ở đâu, đánh bằng gì. Ông Bảy Hôn kể: “Đến 16 giờ, anh Tư Tăng đến và nói tất cả các đồng chí lau chùi vũ khí, chuẩn bị chiến đấu”. Lúc đó, ông Năm Lai đẩy cầu thang vô hầm bí mật, giở lên nắp hầm, mọi người chui vào.
“Tôi mừng quá trời quá đất! Giữa Sài Gòn mà vũ khí ở đâu nhiều quá”, ông Bảy Hôn nhớ lại. Tới tận 21 giờ, ông Tư Tăng mới mở sơ đồ ra, nói cụ thể: “Đội 5 tấn công vào Dinh Độc Lập”. Lúc đó, mọi người mới biết mục tiêu tấn công. Nữ giao liên Vũ Minh Nghĩa cũng thỏa ước nguyện chiến đấu trong nội thành. Bà trở thành nữ tay súng duy nhất cùng các nam đồng đội trực tiếp tấn công Dinh Độc Lập.
Cùng tối 31-1-1968 (mùng 1 Tết), Cụm Biệt động 679 tấn công Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn. Trời tối, khói lửa mịt mùng. Hỏa lực từ B40 bắn ra khiến đối phương hoảng hốt, chống trả trong bối rối, bị động.
Dù vậy, sau một đêm giằng co, do chênh lệch lực lượng quá lớn nên ta không thể tấn công khi trời sáng. Các tổ được lệnh phòng thủ, chờ chi viện. Địch bao vây tứ phía. Không có bóng đêm ủng hộ, lực lượng ta cứ mỏng dần do nhiều đồng chí hy sinh, bị thương.
Ngày hôm sau, ta sắp hết đạn. Nữ giao liên Hương (bí danh của Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Thị Oanh) được phân công bò ra khỏi cổng, đến chiếc xe bị hỏng lấy đạn. Bà Oanh mô tả, khi ấy, Mỹ - ngụy quần thảo trực thăng, bắn rát từ mọi phía.
Phía ta, các tổ tập trung yểm trợ người ra lấy đạn. Giữa tầng tầng đạn khói, bà Oanh bò sát qua hàng rào thép gai. “Địch xả súng thì tôi nằm im. Địch thôi, tôi tiếp tục bò qua cổng. Lợi dụng khói lửa, tôi bỏ đạn vào ống quần, buộc lại, rồi bò vào trong. Đến lần thứ ba, địch mới phát hiện”, bà Oanh kể.
Chiều mùng 2 Tết, không thấy chi viện, lãnh đạo ra lệnh những người còn sức đi nhanh chóng cải trang, rút lui theo đường hợp pháp. Giao liên Hương và Nhung (tên thật Phạm Thị Nhung) là 2 người duy nhất còn đủ sức khỏe. Vì vậy, lãnh đạo giao nhiệm vụ thoát ra, tìm cấp trên báo cáo tình hình. Hai chị nhất quyết không đi.
“Có đi thì cùng đi, ở thì cùng ở”, họ tuyên bố như vậy khi nghe thủ trưởng bàn bạc cách rút lui. Nghe thế, chỉ huy nói giọng đanh thép: “Tôi ra lệnh 2 đồng chí rút lui an toàn, về báo cáo tình hình với cấp trên”. Đây là lệnh nên 2 nữ giao liên phải nghiêm túc chấp hành.
Bây giờ, nhắc đến hồi ức ấy, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Thị Oanh vẫn rưng rưng nước mắt.
Trận đánh “kinh điển”
Tiêu biểu, vang dội nhất trong 5 mục tiêu của Biệt động Sài Gòn - Gia Định là trận đánh Đại sứ quán Mỹ. Đại tá Trần Minh Sơn (tức Bảy Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn), năm nay 92 tuổi, luôn nhớ sâu đậm về trận đánh “kinh điển” này.
Ông Bảy Sơn hồi tưởng, 23 Tết Mậu Thân 1968, ông cùng ông Trần Hải Phụng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự Phân khu, đến báo cáo với ông Võ Văn Kiệt (tức Sáu Dân, lúc đó là Bí thư Khu ủy T4 Sài Gòn - Gia Định) về kế hoạch của lực lượng Biệt động Sài Gòn tấn công các mục tiêu trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.
Trong báo cáo có kế hoạch tập trung tấn công các mục tiêu ở nội thành, như Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài Phát thanh... “Nghe xong, anh Sáu Dân khen chuẩn bị như vậy là tốt. Song, ngừng một chút, anh hỏi chúng tôi rằng tại sao không đánh vào Đại sứ quán Mỹ, có phải vì chúng tôi sợ. Câu hỏi của anh Sáu khiến chúng tôi do dự”, ông Bảy Sơn kể.
Thấy thái độ do dự, ông Võ Văn Kiệt tuyên bố thẳng: “Không đánh vào Đại sứ quán Mỹ thì coi như Biệt động Sài Gòn không tham gia Chiến dịch Mậu Thân”. Trước tối hậu thư Bí thư Khu ủy T4 đưa ra, lãnh đạo Biệt động Sài Gòn xin nhận nhiệm vụ đánh Đại sứ quán Mỹ, kèm lời hứa “Đánh phải thắng”.
Ông Bảy Sơn chia sẻ: “Khó khăn ở chỗ, quân và vũ khí đều chưa được chuẩn bị. Các đội biệt động đã bố trí lót ổ xong xuôi các mục tiêu trước. Mỗi mục tiêu đều đã chuẩn bị vũ khí”. Chỉ còn 4 ngày chuẩn bị, phải cấp tốc thành lập đội chiến đấu. Sơ bộ phải cần 200kg thuốc nổ, 30 súng và khoảng 16 tay súng tập hợp trong nội thành.
Trong tình thế gấp rút, người được lựa chọn giao nhiệm vụ là Ba Đen (tên thật Ngô Thanh Vân). Ba Đen trải qua nhiều trận đánh, thông thạo chiến trường, năng nổ, nhanh nhẹn.
Ông cũng là chỉ huy Cụm 159, đã cùng đồng đội vận chuyển 5 tấn vũ khí vào nội thành trong nhiều năm, bí mật “lót ổ” vào Sài Gòn cho từng mục tiêu trọng yếu.
Sau giây lát phân vân, ý thức được công việc trọng đại, Ba Đen khẳng định: “Sẵn sàng chấp hành mệnh lệnh!”. 200kg thuốc nổ TNT, 12 khẩu AK, 3 khẩu B40, 2 súng lục, 100 lựu đạn… được ngụy trang trên 2 xe chở rau cải, cà chua chạy vào nội đô. Lực lượng chiến đấu huy động từ nhân viên văn phòng các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần. Đội mới thành lập mang phiên hiệu Đội 11.
Đúng giờ G, ngày N, Đội 11 hành quân từ nơi tập kết chạy ra đường Mạc Đĩnh Chi, quẹo vô Thống Nhất. Nhanh chóng, 2 đội viên ria AK hạ 2 quân cảnh Mỹ gác cổng và kiềm chế lính gác. Liền đó, xe sau chở thuốc nổ áp sát vào. Hàng trăm kilôgam thuốc nổ phá tung mảng tường bê tông trước tòa đại sứ.
Nói về trận đánh Đại sứ quán Mỹ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư nhận xét: “Một trận đánh nhỏ về số người tham gia, nhưng đã kích động mạnh mẽ công chúng Mỹ về chính trị và tâm lý. Đây là một hình ảnh bàng hoàng, khi người Mỹ bị đánh bật ra khỏi Nhà Trắng phương Đông, phải chiến đấu và chỉ giành lại được khi tất cả Biệt động đã nằm xuống. Sự chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ Biệt động đã đánh mạnh vào tâm lý của lính Mỹ và công chúng Mỹ, khiến họ tin rằng không thể giành chiến thắng bằng quân sự trước một đối phương như thế”.
Đội Biệt động 5 được giao tấn công Dinh Độc Lập, đã bắn cháy nhiều xe chở lính Mỹ, khiến gần 100 tên chết hoặc bị thương. Đội 5 hy sinh 8, bị bắt 7 cán bộ, chiến sĩ. Tại Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, Cụm Biệt động 679 chia làm hai mũi tiến công. Trận đánh khiến địch chết và bị thương gần 100 tên. Ta giữ trận địa gần 2 ngày đêm; hy sinh 10, bị bắt 4, mất tích 3 cán bộ, chiến sĩ. Đánh Đại sứ quán Mỹ là Đội Biệt động 11. Ta nhanh chóng tiêu diệt lực lượng chống đối; đánh chiếm tầng trệt, lầu 1 rồi lầu 2 tòa nhà; chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ trong suốt 7 giờ. Toàn đội hy sinh, chỉ còn chỉ huy trúng đạn rồi bị bắt.
KỲ LÂM - MẠNH HÒA