Để tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bà Phạm Thị Nhung mưu trí giả làm thường dân, trà trộn vào khu gia binh, được nhân dân che chở, thoát ra ngoài. Trở về hậu cứ, bà gấp rút thành lập Trung đội nữ cối 60 mm (B11-N10 Phân khu 6) do bà làm Trung đội trưởng. Bà đã tổ chức pháo kích vào các đồn bốt địch ở vùng ven Sài Gòn, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Thiết thực mừng kỷ niệm 79 năm ngày sinh nhật Bác 19-5-1969, bà mưu trí tổ chức pháo kích vào Biệt khu Thủ đô, đưa vũ khí vào đặt ở khu vực Bàn Cờ (quận 3, TP Hồ Chí Minh ngày nay). Trước tình thế đơn vị bị đứt liên lạc, bà vẫn chiến đấu ngoan cường và bị địch bắt, đày ra Côn Đảo.
Dù đã 50 năm, bà Lại Thị Kim Túy, giao liên Đội 3 Biệt động vẫn còn nhớ như in nhiệm vụ dẫn đơn vị theo hướng Tây Nam tiến đánh nội đô Sài Gòn. Trước sự kiểm soát gắt gao của địch, ngay chiều 29 Tết Mậu Thân 1968, tôi đã từ xã Mỹ Hạnh, Đức Hòa, Long An, dẫn đơn vị hành quân khẩn cấp về Sài Gòn. Đêm tối như bưng, chúng tôi phải lội qua những cánh đồng bưng lác, kênh rạch, xác định đường, hướng, tiếp cận các mục tiêu. Sau Tết Mậu Thân, địch phản công dữ dội. Đơn vị tôi được lệnh bám trụ lại, để tiếp tục đưa quân vào nội đô chiến đấu. 13 ngày đêm bám trụ chiến đấu ở nội ô Sài Gòn, chúng tôi luôn được bà con nuôi giấu, che chở. Ban ngày bám vào dân, đêm chúng tôi bung ra diệt ác, phá đồn. Bị bao vây, chúng tôi đã chiến đấu đến phút cuối cùng. Bà Túy kể, tôi còn nhớ cảnh trên trời máy bay gọi hàng, dưới mặt đất, bộ binh, pháo binh địch tập trung hỏa lực bắn vào nơi chúng tôi đóng quân. Chú Sáu Ngay kêu gọi chiến sĩ xung phong, mở đường máu rút ra, nhưng tất cả các con đường đều bị vây bủa. Trong khói lửa ngập trời, tôi nhìn thấy các anh lao ra và ngã xuống...
Bộ tư lệnh Hải quân địch tại Sài Gòn là cơ quan tập trung quyền lực, tinh hoa của quân đội Mỹ, bà Nguyễn Thị Yên Thảo, nguyên chiến sĩ Cụm tình báo H63, đã mưu trí vượt qua nhiều thử thách cân não, hiểm nguy, xây dựng được lòng tin của đối phương, làm phiên dịch cho Cơ quan Hải quân Mỹ. Bà Thảo nhớ lại, để xâm nhập hàng ngũ địch, tôi phải học giỏi tiếng Anh, để thi tuyển vào Bộ tư lệnh Hải quân. Có vỏ bọc gia đình tư sản, tôi đi làm để khoe sắc đẹp, mong kiếm chồng Mỹ, từ đó nắm được nhiều thông tin của địch…
Trong Tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bà Nguyễn Thị Mai, nguyên trinh sát Đội 90, đã vượt tù về nhận nhiệm vụ đánh vào khám Chí Hòa. Tại trận đánh khu vực Bảy Hiền, bà được nhân dân che chở. Bà làm công tác giao liên, trinh sát, cứu thương... Vượt qua mưa đạn, máu lửa, bà vẫn ráng sức đưa thương binh xuống hầm trú ẩn. Sau năm 1975, vượt lên thương tật, khó khăn, bà nuôi hai con học đại học. Bà sống nghĩa tình, luôn tìm cách chia sẻ với những đồng đội khó khăn, mảnh đời bất hạnh…
Đó là vài câu chuyện trong số nhiều câu chuyện của nữ Biệt động Sài Gòn, chúng tôi không kể hết được. Trong Tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nữ Biệt động Sài Gòn với công tác là giao liên, tình báo, xây dựng, vận chuyển, cất giấu vũ khí, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh... Với tinh hoa, phẩm chất phụ nữ, đặc thù chiến đấu nơi sào huyệt của địch, các nữ Biệt động đã cùng các chiến sĩ đánh những trận xuất quỷ, nhập thần, tập trung vào mục tiêu trọng yếu, cơ mật của địch, khiến chính quyền Sài Gòn vô cùng bàng hoàng. Tấm gương của các chị đã cổ vũ nhân dân đứng lên chống Mỹ, tạo nên tiếng vang lớn đối với chính trường, nhân dân Mỹ, khích lệ tinh thần yêu chuộng hòa bình của phụ nữ, nhân dân thế giới, tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam. Ghi nhận chiến công của Biệt động Sài Gòn, trong đó có những nữ biệt động, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đã tặng 16 chữ vàng “Đoàn kết một lòng - Mưu trí vô song - Dũng cảm tuyệt vời - Trung kiên bất khuất”. Dũng cảm chiến đấu, song, những nữ Biệt động Sài Gòn cũng chịu nhiều hy sinh tổn thất. Thời gian qua, Thành phố luôn chăm lo các gia đình chính sách, xây dựng, tôn tạo công trình lịch sử xứng tầm, là “địa chỉ đỏ” giáo dục thế hệ các thế hệ.