Mua súng đơn giản như mua sữa
Dẫn báo cáo từ Văn phòng công tố thành phố Stuttgart, tờ Bild cho biết, Sa-cha (Sascha W), 34 tuổi, kẻ buôn lậu vũ khí đến từ thành phố Magstadt miền Nam nước Đức, ngày 7-11 đã bán 2 khẩu súng AK47 và 2 khẩu súng Zastava M70 cho khách hàng người A Rập tại Pa-ri. Các nhà điều tra ở Pháp tin rằng, những khẩu súng trên chính là vũ khí được sử dụng trong các vụ tấn công khủng bố tại Pa-ri đêm 13-11 khiến 130 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương.
Trước vụ tấn công Pa-ri cả chục ngày, cảnh sát Đức đã bắt giữ một người đàn ông 51 tuổi, tên là Vlát-cô V (Vlatko V) đến từ Môn-tê-nê-grô. Người đàn ông này nói đang trên đường đến Pháp nghỉ ngơi và mong muốn được leo lên tháp Eiffel. Tiến hành kiểm tra, các nhân viên cảnh sát phát hiện ra phía sau xe của ông ta là một “kho vũ khí đáng sợ”, bao gồm vài khẩu súng Kalashnikovs, lựu đạn, một khẩu súng lục và 200g thuốc nổ. Vlát-cô V hiện vẫn bị giam giữ tại Đức và cảnh sát Đức đang điều tra xem người đàn ông này có mối liên hệ với vụ khủng bố ở Pa-ri hay không.
Từ lâu người ta không xa lạ với “Ant Trade”-thuật ngữ đang được sử dụng để nói đến những đường dây cung cấp vũ khí nhỏ lẻ cho các phần tử khủng bố hoạt động ở châu Âu. Theo các quan chức cảnh sát, rất khó phát hiện, bắt giữ, ngăn chặn những vụ buôn bán vũ khí ngầm và điều này càng khiến cho cuộc chiến chống khủng bố trở nên khó khăn hơn. “Chúng tôi gọi nó là Ant Trade-một hình thức kinh doanh vũ khí nhỏ lẻ. Đó là những cá nhân vận chuyển số lượng vũ khí nhỏ chứ không phải là xe có tải trọng lớn. Tuy nhiên, số lượng vũ khí được vận chuyển tích tụ không phải là con số nhỏ", A.Vranh (An Vranckx)-một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu thông tin về Hòa bình và An ninh của Bỉ-nhận định.
Ở Pháp, nỗi lo ngại về thị trường chợ đen cung cấp vũ khí cho khủng bố xuất hiện vào năm 2012, khi chiến binh M.Mê-rát (Mohammed Merah) sử dụng súng Kalashnikov và tiểu liên Uzi tấn công vào cộng đồng người Do Thái ở khu vực Tu-lu-dơ. Vào thời điểm đó, tờ Le Figaro (Pháp) đã đặt câu hỏi: “Làm thế nào mà Mê-rát có thể mua súng đơn giản như mua sữa vậy?”. Cảnh sát Bỉ cho biết, những khẩu súng Kalashnikovs có thể dễ dàng mua được trong khu chợ tồi tàn phía sau nhà ga xe lửa ở Brúc-xen với giá 750 bảng Anh.
Trong một bài viết hồi năm 2012, tờ Le Figaro dẫn nguồn cảnh sát nói rằng, có khoảng 4.000 vũ khí trái phép đang trôi nổi ở Pháp, dù con số thực có thể cao hơn thế. Theo Tổ chức Quan sát phạm tội quốc gia ở Pháp, lượng vũ khí trái phép tuồn vào nước này đã tăng trưởng ở mức 2 con số trong mấy năm qua.
Được nhập lậu từ Ban-căng
Theo Đ.Đai-xơn (David Dyson)-một nhà phân tích vũ khí của Anh, vũ khí trôi nổi trên thị trường chợ đen ở châu Âu có nguồn gốc ở nhiều quốc gia khác nhau, chủ yếu do nhập lậu từ các nước vùng Ban-căng. Ước tính, khoảng nửa triệu vũ khí ở An-ba-ni, gần hai triệu vũ khí ở Xéc-bi-a và Bô-xni-a đã rơi vào tay tư nhân sau chiến tranh năm 1990 ở khu vực này. Tương tự như vậy, ở Môn-tê-nê-grô cũng trôi nổi rất nhiều loại vũ khí. Những vũ khí này sau đó được tuồn vào Đông Âu thông qua các hoạt động buôn lậu như cất giấu ở khoang sau ô tô. Sau khi đã vượt qua biên giới, các vũ khí này có thể dễ dàng chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác trong khu vực tự do di chuyển Schengen. Đây là những nguồn cung cấp vũ khí “đầy tiềm năng” cho các phần tử khủng bố. Nguồn gốc của tất cả các loại vũ khí trong vụ khủng bố Pa-ri chưa được xác minh rõ ràng, nhưng một số báo cáo tính tới ngày 28-11 cho thấy nó xuất phát từ một lô hàng sản xuất tại thủ đô Bê-ô-grát của Xéc-bi-a vào những năm cuối thập niên 1980, theo Roi-tơ.
Bỉ, nước láng giềng với Pháp, cũng nằm trong số những “nguồn” cung cấp vũ khí chính tạo điều kiện cho các nhóm cực đoan thực hiện hành vi giết người. Mỗi năm có khoảng 6.000 khẩu súng bị tịch thu ở đây. Theo B.Bê-ni-ai-chơ (Bilal Benyaich)-một nhà nghiên cứu hoạt động truyền bá Hồi giáo cực đoan ở Bỉ, tùy theo chủng loại và điều kiện của vũ khí, giá của một loại vũ khí trên thị trường chợ đen của Bỉ dao động từ 1.000 đến 2.000 ơ-rô.
Ước tính có khoảng 80 triệu khẩu súng tại EU hiện nay. Tuy nhiên “thị trường đen” Ban-căng ghi nhận mức độ vận chuyển súng ống lớn hơn nhiều, theo nhận xét của I.Déc-ha-nô-xki (Ivan Zverhanovski) thuộc Phòng Báo cáo về kiểm soát vũ khí hạng nhẹ và vũ khí nhỏ, một cơ quan giám sát vũ khí có trụ sở tại Bê-ô-grát.
Muôn vàn kiểu giao dịch
Cảnh sát Đức bắt giữ Sa-cha từ hôm 16-11 vì hành vi buôn vũ khí trái phép. Tên này bị cáo buộc sử dụng biệt danh "DW Guns", rao bán các vũ khí trên trang mạng Darknet, một mạng lưới ngầm chuyên hỗ trợ buôn bán vũ khí trái phép.
Theo các chuyên gia an ninh, tội phạm đang chuyển dần sang các trang mạng đen để mua súng đạn, thay vì đến những khu vực buôn bán thông thường. Ở Pháp, 57 người đã bị bắt giữ ở nước này trong năm 2014 vì mua vũ khí, bao gồm cả súng Kalashnikovs qua internet.
Trước đây, khi muốn có vũ khí từ vùng Ban-căng, các nhóm khủng bố và tội phạm phải bắt liên lạc tới đúng địa chỉ. Nhưng nay, chúng chỉ cần kết nối với internet. Theo trang Vocative, nếu một tay khủng bố muốn mua súng trái phép, hắn ta chỉ cần tải xuống trình duyệt Tor, vốn cho phép việc lướt web ẩn danh, sau đó tìm các chợ đen trên mạng hoạt động giống trang eBay, điều không hề khó khăn.
Bên cạnh đó, dòng người nhập cư từ các quốc gia khác cũng làm gia tăng nguy cơ “tuồn” súng đạn vào châu Âu. Bên cạnh việc phối hợp với người nhà gần biên giới, qua mặt cảnh sát từ dòng người di cư/tị nạn, còn đó một cách thức nữa từ các vụ buôn lậu súng khiến cơ quan chức năng đang đau đầu: Máy in 3D. Theo đó, với công nghệ in 3D, các tay súng cực đoan có thể giao dịch hoàn toàn thông qua internet và chẳng sợ gặp rủi ro khi vận chuyển.
Công nghệ in 3D cho phép “in” ra những mẩu lắp ráp bằng kim loại hẳn hoi từ một thiết kế 3D (thay vì in ra mực, chữ). Thế nên, nếu “mua” được đầy đủ các chi tiết lắp ráp, các tay súng đã có ngay một khẩu AK47 hoặc đại loại như vậy được "in" ra từ một máy in 3D. Đây chắc chắn sẽ là một tai họa của tương lai.
NGỌC HÀ
5432 lượt xem