Chỗ này bà con cấp bách gia cố đê bao lửng để bảo vệ lúa mới chắc hạt, chỗ kia bà con dùng vải bạt, nilon, lưới B40 và các vật dụng khác để gia những đoạn kênh, đập xung yếu. Tiếng máy bơm, tiếng máy xuồng rộn vang trên cánh đồng. Trên chiếc xuồng đi vào cánh đồng cùng Phó bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đại - Võ Văn Xăng và Chủ tịch UBND - Nguyễn Văn Dụng, chúng tôi được kể về những khốn khó của nông dân khi bị lũ giựt lúa. Anh Nguyễn Phú Quốc, ấp Láng Sen vụ này sản xuất 5 ha lúa, bình thường anh thu hoạch được 35 tấn, do lũ sớm làm giảm năng suất chỉ còn khoảng 20 tấn thiệt hại khoảng 75 triệu đồng. Anh Nguyễn Đức Toàn cũng ở ấp Láng Sen sản xuất 7 ha, thiệt hại trên 100 triệu đồng, anh Đỗ Văn Liêm mất trắng 3 ha thiệt hại trên 60 triệu đồng...
Xuồng cặp vào bờ kênh - phía trong là hàng chục ha lúa đang ngập chìm trong nước - nơi cán bộ chiến sĩ đại đội bộ binh huyện Tân Hưng và lực lượng dân quân thường trực xã Vĩnh Đại đang giúp dân thu hoạch lúa hè thu chạy lũ. Bà Chín - Một phụ nữa ngoài sáu mươi cùng 2 đứa cháu khoảng 12 -17 tuổi đang trải đệm dọn cơm cho công làm hồ hởi kể: -"Thằng rể tui nó đòi tự vận mấy hôm nay, may nhờ bộ đội tới giúp, nó cũng vớt vát được chút đỉnh…". "Thằng rể" mà bà Chín kể là anh Nguyễn Thanh Long, quê ở Đồng Tháp qua xã Vĩnh Đại thuê 18 ha đất sản xuất lúa. Vì thuê ruộng sản xuất nên anh không dám đầu tư xây dựng đê bao, nên ruộng lúa của anh bị ngập sớm nhất. Trong đó có khoảng 7 ha bị mất trắng, số còn lại thì thu hoạch cũng chỉ ở mức độ "mười phần mất bảy còn ba", thiệt hại ước tính trên 500 triệu đồng. Những ngày qua, gia đình anh như đứng ngồi không yên trên đống lửa, thành quả lao động trong tầm tay sau một đêm ngủ dậy đã không cánh mà bay. Cái khó do lũ về, cái khó do thiếu nhân công - nước ngập tới ngực, tới cổ, không sử dụng máy móc cơ giới được, trong khi nhân công lao động hết sức khan hiếm, làng quê bây giờ chỉ còn vài anh lực điền chủ ruộng, còn lại chủ yếu là người già trẻ em, thanh niên trai tráng đổ về thành phố hết rồi, chưa kể chi phí ngày công thu hoạch lên đến 800 ngàn đồng/1.000m2 - bán lúa thu hoạch được không đủ trả cho nhân công gặt lúa.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đại - Nguyễn Văn Dụng cho biết: Mực nước tăng mỗi ngày và cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 từ 0,6 - 0,9m. Trong khi đó, diện tích lúa hè thu hiện mới thu hoạch 2.444 ha/3.088 ha. Trong đó có 270 ha bị ảnh hưởng từ 20-50%, 65 ha bị ảnh hưởng 60-80%. Hiện còn 644 ha bị ngập chưa thu hoạch gồm 576 ha bị ngập 30 cm và 68 ha khả năng bị mất trắng.
Đại đội bộ binh huyện Tân Hưng giúp nhân dân xã Vĩnh Đại thu hoạch lúa Hè Thu chạy lũ
Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Tân Hưng cho biết: Toàn huyện đã có 3.480 ha lúa bị ngập, gồm 125ha bị hiệt hại trên 70%, 911 ha bị giảm năng suất 20 - 30% do phải thu hoạch sớm từ 5 - 7 ngày, 2.440 ha có khả năng giảm năng suất 10 - 20%. Ngoài ra, có 3.090 ha ở những nơi chưa có đê bao lửng hoàn thiện tại huyện Tân Hưng đang có khả năng bị ảnh hưởng lũ. Nếu lũ lên với cường suất 10 - 20 cm/ngày đêm, toàn bộ diện tích này sẽ bị ngập. Nguy cơ thiệt hại về sản xuất sẽ rất lớn.
Những ngày qua, cùng với điều động lực lượng bộ đội thường trực, DQTV giúp nhân dân 1.600 ngày công thu hoạch lúa hè thu chạy lũ. LLVT Long An đã chủ động hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị và các lực lượng trên địa tổ chức lực lượng, phương tiện, phân công khu vực đảm nhiệm cho các đơn vị trực thuộc; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, và tìm kiếm cứu nạn của địa phương. Xây dựng các phương án và biện pháp đối phó, khắc phục khi xảy ra lũ về sớm. Chuẩn bị phương án sơ tán dân vào các cụm, tuyến dân cư khi bị ngập sâu, kéo dài.