Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Lê Phước Bình
Quy hoạch mở ra không gian phát triển mới
Tính đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các địa phương ven biển miền Trung. Đây là quy hoạch rất quan trọng, tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong thời gian tới.
Chẳng hạn, quy hoạch vừa được phê duyệt định hướng phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.
Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới. Thanh Hóa có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội,..
Tương tự, theo quy hoạch được phê duyệt, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu;…
Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Phấn đấu đến năm 2030, Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.
Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Nơi này cũng được định hướng với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước.
Đà Nẵng sẽ là trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên.
Tương tự, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao,…
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa trao văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư 10 dự án quy mô 113.500 tỷ đồng. Trong ảnh là một khu đô thị mới tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Lê Phước Bình
Lộ diện loạt dự án lớn
Ngay sau khi các quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn đã tìm đến các địa phương ven biển miền Trung để đề xuất nghiên cứu đầu tư hàng loạt dự án quy mô lớn.
Ngày 6/4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 21 dự án.
Trong đó, trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký 9.134 tỷ đồng và văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đăng ký 113.500 tỷ đồng.
Một số dự án quy mô lớn mà doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế như: Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) với dự án KCN La Sơn (mở rộng), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng; Tập đoàn BRG, Công ty CP đầu tư du lịch Huế với dự án Khách sạn Century Riverside Huế tiêu chuẩn 5 sao trở lên, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng;
Tập đoàn Daewon - Hàn Quốc với dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và sân gôn, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng; Công ty tập đoàn KX với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf cao cấp, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.700 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát với dự án Khu đô thị sinh thái khu vực xã Thủy Thanh và khu vực lân cận, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 22.000 tỷ đồng;…
Mới đây, trong khuôn khổ sự kiện công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.100 tỷ đồng; trao bảng ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 127.000 tỷ đồng.
Cũng tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2024 diễn ra vào ngày 3/3 vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên đã trao quyết định Chủ trương đầu tư và Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 14 nhà đầu tư của 14 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 10.500 tỷ đồng và 5 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn dự kiến 128.800 tỷ đồng.
Lê Phước Bình