(QK7 Online) - LTS: Từ ngày 31/3/2016, Báo Quân khu 7 điện tử trân trọng giới thiệu chuyên mục “NHẬT KÝ HÀNH QUÂN” với 32 tập (mỗi ngày 1 tập) nhằm giới thiệu và giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về trận quyết chiến chiến lược cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
1962 lượt xem
Nhật ký hành quân
Những ngày cuối tháng 3 năm 1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” với tốc độ “Một ngày bằng 20 năm”. Bộ chính trị xác định : “Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân dân ta đã bắt đầu”.
Ngày 14/4/1975, Bộ chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, phương án chiến dịch được thông qua lần cuối.
Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm các đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy; các đồng chí Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh làm Phó Tư lệnh, Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy, Lê Ngọc Hiền - quyền Tham mưu trưởng.
Ngày 25/4, mọi công tác chuẩn bị của ta cơ bản đã hoàn thành, các lực lượng chiến dịch đã vào đến vị trí triển khai và sẵn sàng chờ lệnh nổ súng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương
chỉ đạo theo dõi chiến dịch Hồ Chí Minh
17 giờ ngày 26/4/1975, cuộc tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn bắt đầu, mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Từ ngày 26 đến 28/4, ta tiến công vào tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, thực hiện bao vây cô lập triệt để Sài Gòn, tạo thêm thế có lợi để thực hành tiến công trên toàn mặt trận.
Ngày 29/4, đòn quân sự của ta đã chặn đánh và tiêu diệt các sư đoàn 22, 25, 5, 18, thủy quân lục chiến, các lữ 1 dù, lữ 3 kỵ binh ở tuyến ngoài của địch. Trong khi đó, các lực lượng đặc công, biệt động, bộ đội địa phương đã phá hủy các trận địa pháo, đánh chiếm các đồn bốt, chiếm giữ các cầu vùng ven.
Ngày 30/4/1975, các binh đoàn của ta đã thọc sâu hùng mạnh, tiến chiếm ngay các mục tiêu chiến lược của địch, bắt toàn bộ nội các bù nhìn của địch, buộc Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Những kinh nghiệm đã phát triển đến đỉnh cao của chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm phong phú thêm nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
10h45 xe tăng 843 do trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 xe tăng chỉ huy
và xe tăng 390 (lữ đoàn 203) dẫn đầu lực lượng đột kích của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh độc lập.
Diễu hành kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015)
Từ ngày 31/3/2016, Báo Quân khu 7 điện tử trân trọng giới thiệu chuyên mục “NHẬT KÝ HÀNH QUÂN” với 32 tập (mỗi ngày 1 tập) nhằm giới thiệu và giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về trận quyết chiến chiến lược cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
BBT