Nguyễn Ảnh Thủ (sinh năm Tân Tỵ 1821- mất năm Tân Mùi 1871)
Ông là liệt sĩ thời Cần Vương chống Pháp; sinh tại làng Tân Sơn Nhì, huyện Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Ông hưởng ứng phong trào dưới cờ nghĩa quân Trương Định, năm 1864 ông bị địch bắt và kết án tù. Năm 1868, khi mãn hạn tù, ông tập hợp đội nghĩa quân tiếp tục chống Pháp. Năm 1871, đội nghĩa quân của ông giết được tên trưởng đồn Thuận Kiều, nhưng trong trận này ông cũng hi sinh.
Phan Phát Sanh (sinh năm Quý Tỵ 1893 - mất năm Bính Thìn 1916)
Tự là Phan Xích Long, quê ở Chợ Lớn. Năm 1911, ông được tôn làm lãnh tụ phong trào nông dân chống Pháp mang màu sắc tôn giáo. Sau đó, ông lập căn cứ ở núi Thất Sơn và in truyền đơn rải khắp các chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định... kêu gọi Nhân dân nổi lên chống Pháp giành độc lập.
Ngày 21-3-1913, ông bị địch bắt ở Phan Thiết và bị kết án khổ sai. Sau vụ phá ngục vào tháng 2-1916, quân Pháp đã thẳng tay tàn sát 57 vị “Vô danh anh hùng” gồm 38 người xử công khai và 19 người bị giết tại chỗ. Biến cố bi thương này được các sử gia gọi là “Quái kịch Xích Long ở Nam kỳ”, đây cũng là một trang sử hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Hồ Văn Huê (sinh năm Đinh Tỵ 1917 – mất năm Bính Thìn 1976)
Ông là bác sĩ quân y cấp hàm Đại tá, quê ở thị xã Tân An, tỉnh Long An. Từ năm 1947, ông đã cùng với nhiều y, bác sĩ, dược sĩ khác mở Phòng Dược Khu 7, bào chế thành công nhiều loại thuốc tân dược phục vụ cho công tác phòng, chữa các bệnh nguy hiểm như sốt rét, kiết lỵ, sâu quảng. Ông đã từng lặn lội qua khắp các chiến trường miền Nam và từng giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó cục trưởng Cục Hậu cần miền, Trưởng phòng Quân y miền...
Xuân Ất Tỵ đã tới, được coi là năm hứa hẹn nhiều điều may mắn. Tuổi Rắn trong tư tưởng phương Đông, được coi là hiện thân của những người có tài năng, tư duy nhanh nhạy và mềm dẻo. Trong lịch sử Việt Nam, những nhân tài tuổi Rắn đã xuất hiện và để lại dấu ấn, xét về nhiều mặt được lưu danh.