Phóng tầm mắt ra chút nữa là cảng Phú Quý rồi đường Võ Văn Kiệt. Nhìn từ xa, đường Võ Văn Kiệt như dải lụa chia đôi huyện đảo. Ở vị trí này, nhìn Phú Quý như một đô thị kiểu mẫu.
1439 lượt xem
“Nhà đẹp” Phú Quý
Một đời là ngôi nhà
Sau 3 năm, tôi mới có dịp quay lại huyện đảo Phú Quý. Nơi đây giờ thay đổi rất nhiều. Đường giao thông được cứng hóa, nhà cửa mọc lên san sát. Sau khi làm thủ tục nhận phòng ở Nhà khách Huyện ủy, tôi quyết định tản bộ tìm hiểu về sự thay đổi của vùng đất thừa nắng, dư gió này. Dọc hai bên đường Võ Văn Kiệt, những căn nhà hai tầng mọc lên san sát. Phần lớn các tòa nhà đều được sử dụng làm văn phòng công ty, cửa hàng bán vật liệu xây dựng hay điện thoại di động… Một điểm chung dễ nhận thấy của những ngôi nhà trên đường Võ Văn Kiệt là sự giao thoa của nhiều kiểu nhà. Nhà ở đây hầu hết được xây một trệt một lầu nhưng phần mái có nhiều điểm khác biệt. Phần trên cùng không phải là mái bằng lót gạch chống nóng đơn điệu như kiểu nhà tầng thường thấy, thay vào đó, người ta xây thêm một phần mái giống như kiểu nhà mái Thái trong đất liền. Có ngôi nhà ngói màu đỏ truyền thống nhưng có chủ nhà lợp mái ngói màu xanh. Tôi thực sự không hiểu vì sao người dân trên đảo lại “khoái” kiểu kết cấu này?
Lang thang một đoạn nữa, tôi gặp một ngôi nhà đang kết sắt xây phần mái Thái trên cùng. Tiếp tôi là một người phụ nữ khoảng hơn 50 tuổi, tên Lan. Ngôi nhà bà Lan đang xây có quy mô một trệt một lầu. Mới khởi công hơn 2 tháng nên ngôi nhà vẫn đang trong giai đoạn xây phần thô. Đây là căn nhà thứ 2 trong đời mà bà Lan xây dựng. Căn nhà đầu tiên bà xây cách đây 20 năm. Khi đó, xây được ngôi nhà kiên cố là cả một quá trình tích cóp. Tích cóp từ tiền nong cho đến vật liệu xây dựng. “Xây nhà lúc đó cực lắm chú ơi. Vô đất liền mua từ cái đinh, bao xi măng đến tấm tôn... Ngày đó, tàu vận tải làm gì nhiều như hiện nay. Muốn mua cái gì người dân phải vào tận đất liền để mua rồi vận chuyển về. Xuôi ngược không biết bao nhiêu chuyến tàu mới xong. Từ khi tích cóp vật liệu đến khi xây xong ngôi nhà có nhanh cũng phải mất hơn năm trời”, bà Lan nhớ lại. Rồi cuộc nói chuyện của chúng tôi xoay quanh chuyện xây nhà của người Phú Quý. Sống giữa biển khơi, ngôi nhà là đích nhắm đến trên hết và là việc phải làm suốt đời của mỗi người dân ở huyện đảo này. Người Phú Quý, khi đã xây nhà là xây kiên cố. “Khí hậu Phú Quý khắc nghiệt lắm, với lại phần lớn đàn ông đều đi biển. Mà đi biển thì chú cũng biết nguy hiểm lắm. Nên khi còn sức khỏe, ai cũng gắng đi biển kiếm tiền xây cái nhà cho nó kiên cố để an tâm. Lỡ có gì xảy ra cũng có ngôi nhà cho vợ con ở”, bà Lan giải thích. Thì ra, mưu sinh giữa lòng đại dương mênh mông đã hun đúc cho người dân Phú Quý một tính cách chịu thương chịu khó, lo trước tương lai. Dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn thì họ vẫn cố gắng tạo dựng một ngôi nhà vững chắc cho con cái sau này. Vì thế, có đi mỏi chân khắp đảo cũng không tìm thấy một ngôi nhà dột nát.
Khi tôi hỏi vì sao những ngôi nhà tầng trên đảo đều có phần mái làm giống mái nhà Thái thì bà Lan cười nói: “Làm thêm phần mái đó, chi phí xây dựng một ngôi nhà có khi tăng thêm cả trăm triệu đồng. Nhưng nhà cao tầng nào cũng có bởi một lẽ… khí hậu Phú Quý rất khắc nghiệt, mưa lớn - nắng gắt nên những mái nhà tầng xây theo kiểu cũ dễ bị dột. Khoảng 5 năm trở lại đây, người dân xây thêm phần mái của kiểu nhà biệt thự. Kiểu mái này chống nóng, chống dột rất tốt và mang lại vẻ đẹp cho ngôi nhà. Với lại hiện nay việc xây dựng trên đảo khá dễ dàng. Chỉ cần gọi điện thoại, 5 phút sau đã có xe của các đại lý chở đến từ cát, gạch, xi măng cho đến đồ nội thất…”. Người Phú Quý xây nhà cũng là một quá trình dài tích lũy kinh nghiệm. Những ngôi nhà cấp 4 ở Phú Quý hiếm khi xây cao quá 5m. Vì gió ở Phú Quý rất lớn nên xây nhà cao dễ bị thổi bay mái tôn. Trước đây, để chắn gió ngăn mặn vào nhà, người dân thường che tấm bạt hoặc miếng vải phía trước nhà và cửa sổ. Giờ hiện đại hơn, người dân thay bằng các tấm rèm vừa tiện lợi, vừa đẹp.
Hòn ngọc giữa biển khơi
Sau buổi nói chuyện với bà Lan, tôi đi nhờ xe một người dân đến núi Cao Cát, ngọn núi cao nhất huyện đảo. Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt dạo một vòng quanh đảo mới thấy hết được nét đẹp Phú Quý. Bên này, vịnh Triều Dương xanh thẳm. Điểm tô trên nền xanh đó là những bè nuôi cá lồng, một trong những nguồn thu nhập chính của người dân trên đảo. Cách đây 2 năm tôi được lên một trong những cái bè đó để tìm hiểu. Có thể nói, thưởng thức hải sản trên bè thì không gì thú vị hơn. Trong dập dềnh sóng biển với hải sản tươi sống và xị rượu đế thì khó mà dời chân đi được. Giờ thì những bè nuôi cá ở vịnh Triều Dương đã thành điểm dừng chân không thể thiếu của khách du lịch mỗi lần đến huyện đảo. Nằm ngay vịnh Triều Dương là khu dân cư sầm uất và giàu có bậc nhất ở huyện Phú Quý. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng đánh bắt hải sản ở Trường Sa. Đội tàu ở đây đều có công suất lớn, bám biển dài ngày nên thu nhập sau mỗi chuyến biển cũng khá hơn những nơi khác trên đảo. Ở đây hiện không thiếu những ngôi nhà 2, 3 tầng. Phóng tầm mắt ra một chút là 3 tuabin gió khổng lồ nằm ở xã Ngũ Phụng. Việc đưa vào hoạt động của Nhà máy phong điện Phú Quý đã giúp Phú Quý có điện 24/24 giờ. Tôi còn nhớ như in cảm giác năm ấy trên đảo, sau 23 giờ đêm phải kéo giường từ phòng ra hành lang ngủ vì nóng.
Phóng tầm mắt ra chút nữa là cảng Phú Quý rồi đường Võ Văn Kiệt. Nhìn từ xa, đường Võ Văn Kiệt như dải lụa chia đôi huyện đảo. Ở vị trí này, nhìn Phú Quý như một đô thị kiểu mẫu. Đường giao thông đều được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông. Các khu dân cư mới đang dần hình thành rõ nét. Còn nhớ năm 2005, khi Phú Quý lần đầu tiên quy hoạch khu dân cư, phân lô bán nền. Khi đó, mỗi lô đất được chia với diện tích 200 m2. Đó là khu dân cư Tam Thanh 1, hiện nay nằm ngay mặt tiền đường Võ Văn Kiệt. Hầu hết các ngôi nhà ở đây đều được xây cao tầng. Vì vậy người dân Phú Quý cũng gọi vui đây là phố “Phú Mỹ Hưng”. Sau này, các khu dân cư Tam Thanh 2, trung tâm thị trấn thì diện tích mỗi lô đất giảm xuống 140 m2. Một diện tích đất “mơ ước” của nhiều người dân ở đất liền. Điểm tô cho “khu đô thị kiểu mẫu” là hàng loạt những cây xanh. Khắp nơi trên đảo đều có cây xanh, từ bãi bồi ven biển đến khuôn viên UBND huyện, xã, phía trước mỗi nhà dân. Tôi nhớ không nhầm thì phong trào trồng cây phủ xanh đảo được tiến hành cách đây khoảng 7, 8 năm. Mục đích là giữ mạch nước ngầm, nguồn sống của người dân trên đảo. Giờ thì trước cửa nhà của mỗi hộ dân đảo Phú Quý đều trồng 1 cây xanh. Đến nay, các trục đường giao thông trên địa bàn huyện phần lớn đều có mảng cây xanh.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể Phú Quý vẫn thiếu thiếu một cái gì đó. Gặp ông Lê Hồng Lợi, Phó Bí thư Huyện ủy Phú Quý trong buổi tiếp xúc cử tri tại xã Tam Thanh, tôi mang thắc mắc của mình ra hỏi. Ông Lê Hồng Lợi giải thích: “Cái thiếu lớn nhất của Phú Quý hiện nay là hệ thống kết nối giao thông toàn huyện. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ra khảo sát mở rộng tuyến đường vành đai quanh đảo. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung cho việc xây dựng tuyến đường ngang lớn kết nối giao thông toàn đảo lại với nhau. Khi các tuyến đường này hoàn thành, Phú Quý sẽ có một bộ mặt khang trang”.
Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác huyện Phú Quý với tổng mức đầu tư dự kiến 21,32 tỷ đồng. Niềm mong mỏi của người dân Phú Quý đang dần thành hiện thực. Hòn ngọc giữa biển khơi đang ngày một tỏa sáng.
(BT Online)