Chuyến đi thực tế sáng tác của đoàn nhà văn, nhà báo TP.Hồ Chí Minh do Ban quản lý Khu đô thị Nam Sài Gòn tổ chức, được sự hỗ trợ tận tình của chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng. Ông Dưỡng là người nổi tiếng và cũng… kín tiếng. Nổi tiếng bởi ông chính là một trong những người đầu tiên hình thành ý tưởng, tham gia lập dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Sài Gòn - Nhà Bè theo chủ trương của Thành ủy TP.Hồ Chí Minh được Trung ương phê duyệt. Trong giới chuyên gia, ông được coi là pho tư liệu sống về Nhà Bè, là người có tầm nhìn chiến lược và những ý tưởng độc đáo. Kín tiếng bởi ông ít xuất hiện trên truyền thông. Mang phong cách của một nhà giáo, Phan Chánh Dưỡng có kiến thức sâu rộng và khả năng diễn thuyết rất cuốn hút. Mới đây, khi tạp chí Corporate Location của Anh bình chọn khu chế xuất Tân Thuận của Việt Nam nằm trong tốp các khu chế xuất đứng đầu châu Á - Thái Bình Dương, thì cái tên Phan Chánh Dưỡng mới được nhắc đến nhiều với tư cách là một trong những người “cha đẻ” của khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu công nghiệp cảng Hiệp Phước tại TP.Hồ Chí Minh…
Một góc Khu đô thị Nam Sài Gòn hôm nay
Tôi phải dông dài một chút về nhân vật có vai trò quan trọng trong sáng tác của các văn nghệ sĩ trong chuyến đi này, bởi muốn có một sợi dây liên kết những cứ liệu lịch sử, qua đó giúp bạn đọc có được những góc nhìn mới về hai vùng đất năng động bậc nhất của thành phố hôm nay với quá khứ chưa xa...
Sau khi tham quan khu chế xuất Tân Thuận và khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nơi được ví như một “Sin-ga-po ở Việt Nam”, chúng tôi đi vào vùng lõi của Nhà Bè. Tất cả vẫn còn hoang sơ. Con đường rải đá dăm len lỏi giữa bạt ngàn rừng dừa ngập nước và cỏ lác, cây năng, đưa chúng tôi đến một căn nhà sàn đổ bê tông giữa đầm lầy, kênh rạch, là văn phòng làm việc của Ban quản lý khu bảo tồn. Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng giới thiệu, đây là khu bảo tồn sinh thái Nhà Bè. Các tài liệu khảo cứu về đất Sài Gòn - Gia Định xưa ghi rằng, từ thuở đi khẩn hoang, ông cha ta sử dụng bè, xuồng theo các nhánh sông Sài Gòn tiến vào vùng rậm rịt. Thuở đó khu vực này có nhiều thú dữ như hổ, báo, trâu rừng, nhiều nhất là cá sấu. Để bám trụ mưu sinh, người dân đã xây dựng những mảng bè kiên cố trên các bến sông, đầm lầy và dựng nhà lên đó để tránh sự tấn công của mãnh thú. Tên gọi Nhà Bè ra đời từ đặc trưng cuộc sống khẩn hoang của người dân phương Nam xưa. Sài Gòn hơn 300 năm trước là một đô thị của khoảng 300 ngàn dân. Khoảng cách từ trung tâm thành phố ra đến Nhà Bè theo đường chim bay chỉ chừng mươi cây số, nhưng để tới được nơi rừng thiêng nước lợ ấy là cuộc hành trình đầy vất vả và hiểm nguy mà ngày xưa, không phải ai cũng đủ can đảm đặt chân tới.
Mà chả cần phải nói đến ngày xưa, chỉ cách đây hơn 40 năm trước, nơi đây vẫn là vùng hoang sơ bí hiểm. Địa thế “một vào không ra” ấy được chọn làm nơi ém quân lý tưởng của đặc công và biệt động quân giải phóng, tổ chức những trận đánh xuất quỷ nhập thần gây cho quân đội Mỹ - ngụy nỗi khiếp đảm kinh hoàng.
Vùng đầm lầy hoang sơ ấy được đánh thức năm 1994, khi dự án phát triển kinh tế khu Nam Sài Gòn được khởi công. Việc xây dựng đô thị với những công trình hiện đại trên vùng đất “không chân” là điều ít người dám nghĩ tới. Suốt cả chục năm nghiên cứu, trải qua nhiều hội thảo, cuối cùng dự án cũng được triển khai với sự liên doanh, liên kết với các chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài. Người ta dùng cọc bê tông dài đến mấy chục mét đóng xuống làm móng, hút bùn lên và bơm cát xuống tạo nền. Các công trình cứ thế mọc lên theo tiêu chuẩn thiết kế đô thị hiện đại của thế giới. Hơn 20 năm sau nhìn lại, ngay cả những người tham gia khai sinh ra dự án như Phan Chánh Dưỡng cũng cảm thấy bất ngờ trước sự phát triển nhanh chóng của vùng đất Nam Sài Gòn - Nhà Bè. Khu bảo tồn mà chuyên gia Phan Chánh Dưỡng dẫn chúng tôi tham quan hôm nay chính là một phần của dự án tổng thể với mục tiêu phát triển phải gắn với bảo tồn. “Bên cạnh được thụ hưởng vẻ khang trang, hiện đại, hào nhoáng của một khu đô thị kiểu mẫu của cả nước, thế hệ con cháu hôm nay và mai sau cần có một không gian Nhà Bè nguyên trạng để được sống với quá khứ và tự hào về lịch sử cha ông…” - ông Dưỡng nói.
Cũng giống như Nhà Bè, Thủ Thiêm (nay thuộc địa phận quận 2) là vùng đất hoang vu. Cụ Bảy Ước (nguyên Đoàn trưởng Đoàn 10 đặc công rừng Sác) kể, thời chiến tranh chống Mỹ, đặc công ta thường lợi dụng con nước triều cường, men theo các tuyến rạch ra sông Sài Gòn. Trong ký ức của cụ, bờ sông Sài Gòn ở phía quận 2 hiện nay, ngày đó toàn là rừng ngập nước, bạt ngàn cây dừa nước, kênh rạch chằng chịt. Đặc công ta ém mình trong những cánh rừng, dưới những mảng lục bình dày đặc trên sông, thậm chí vùi thân trong bùn như chạch, chờ đêm xuống là vượt sông đánh úp. Hai bên bờ sông là hai thế giới đối lập. Một bên là Sài Thành hoa lệ, một bên là rừng, hoang vu, thăm thẳm…
Sau hai thập kỷ triển khai dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, hình ảnh hoang sơ ngày xưa dần được thay thế bằng những cao ốc sang trọng, hiện đại chuẩn quốc tế. Hồi trước, muốn qua sông vào nội thành, phải đi đường vòng xuống phà Thủ Thiêm hoặc “tăng bo” bằng những chuyến xuồng máy. Nhưng rồi giấc mơ cũng đã thành hiện thực. Con đường hầm xuyên sông Sài Gòn hiện đại nhất Đông Nam Á, nằm ở độ sâu 27 mét so với mặt nước được xây dựng. Đại lộ Đông Tây (về sau đổi tên là Đại lộ Võ Văn Kiệt) là trục giao thông chiến lược, vừa góp phần giảm tải giao thông ở trung tâm thành phố, vừa tạo động lực phát triển kinh tế xã hội vùng ven.
Nam Sài Gòn, Thủ Thiêm, hai khu đô thị trẻ, niềm tự hào của TP.Hồ Chí Minh, như hai đầu thúng của gánh quả ngọt trên vai người con gái Nam Bộ dịu dàng mà kiêu sa. Nhiều người dân TP.Hồ Chí Minh và du khách quốc tế đến đây có sở thích, cứ chiều buông, khi dòng kênh Tàu Hủ nước dâng sát bờ, lại rong ruổi dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt để nghe tiếng vọng từ hai phía dòng sông. Mới đây, TP.Hồ Chí Minh đã lập dự án phát triển các tuyến du lịch đường thủy để du khách có thêm những trải nghiệm thú vị về thành phố trên những chiếc ghe, xuồng cùng những nữ hướng dẫn viên thon thả trong dáng áo bà ba truyền thống. Mấy anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi trong chuyến thực tế sáng tác lần này thì có thêm ý tưởng, đề xuất mở một tuyến du lịch thổ mộ ở vùng ven. Sẽ thật tuyệt nếu giữa nhịp sống sôi động, hối hả, chúng ta lại có được những thời khắc thư thả nghe tiếng vó ngựa lốc cốc, thứ âm thanh quen thuộc của Sài Gòn xưa…
Giữa muôn cảnh sắc, âm thanh sang trọng náo nhiệt của đô thị hiện đại hôm nay, ngồi trong không gian sông nước thanh tịnh giữa lòng Nhà Bè, lòng chợt nôn nao nhớ câu ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định - Đồng Nai thì về…”!
Bút ký của PHAN TÙNG SƠN