Những năm qua, khi Đảng, Nhà nước ta thực hiện chính sách mở cửa theo phương châm Việt Nam muốn làm bạn và trở thành đối tác tin cậy với tất cả các nước, thì việc giao thương giữa nước ta và các nước trên thế giới ngày càng sâu rộng.
Sự giao lưu với thế giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh v.v.. thường xuyên diễn ra với quy mô lớn, phạm vi rộng. Vì vậy, việc đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, phổ cập ngoại ngữ cho các tầng lớp nhân dân càng trở nên cấp thiết. Ngành giáo dục đã xây dựng một đề án theo hướng phổ cập ngoại ngữ (tiếng Anh) cho các cấp học, nhằm hiện thực hóa mục tiêu thế hệ trẻ Việt Nam có đủ vốn tiếng Anh để giao tiếp đơn giản với người nước ngoài khi các cháu tốt nghiệp bậc phổ thông. Đây cũng là việc để chuẩn bị cho tương lai chúng ta có những thế hệ thông hiểu ngoại ngữ, sẵn sàng vươn ra thế giới. Thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu và chủ quan như: Đội ngũ giáo viên còn thiếu và yếu, cơ sở vật chất không đồng bộ... khiến cho hầu hết học sinh của chúng ta sau khi tốt nghiệp bậc THPT vẫn chỉ thuộc diện “mù mờ” về ngoại ngữ.
Phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2016 môn ngoại ngữ cho thấy, ngoại ngữ thuộc hàng “có vấn đề” nhất trong các môn học, với hàng trăm nghìn học sinh đạt điểm 2-3 và tỷ lệ điểm dưới trung bình là hơn 65%. Chưa khẳng định đề án về dạy-học ngoại ngữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo thất bại, nhưng rõ ràng hiệu quả chưa cao. Vì thế, việc chấn chỉnh công tác dạy-học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường của nền giáo dục quốc dân là việc làm cấp thiết, mà trước tiên là trách nhiệm của ngành giáo dục. Chỉ khi nào chuẩn bị tốt cả về lực lượng (đội ngũ giáo viên, chuyên gia) và cơ sở vật chất thì việc dạy-học ngoại ngữ mới mong thành công. Trong khi đó, điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn nên không thể đầu tư cùng lúc để dạy-học kiểu “cào bằng” như thời gian vừa qua, mà cần phân loại cả về cấp học, cả về khu vực địa bàn, để từ đó đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và từng bước nhân rộng. Các bậc phụ huynh cũng cần nhận thức rõ, việc định hướng cho con em mình trong học tập ngoại ngữ là rất cần thiết và cấp bách. Chủ nhân tương lai của một đất nước công nghiệp hiện đại, với những quan hệ quốc tế đa phương hóa, đa đạng hóa thì dứt khoát không thể “mù” ngoại ngữ.
Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, việc học tập ngoại ngữ đã được đẩy mạnh những năm gần đây. Với mục tiêu “xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên một số đơn vị, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại” thì việc thông hiểu ngoại ngữ là một yêu cầu tất yếu đối với cán bộ, sĩ quan quân đội. Bởi ngoại ngữ là phương tiện chính để các cán bộ, chiến sĩ tìm hiểu và làm chủ các loại vũ khí trang bị hiện đại, đồng thời cũng là phương tiện để các sĩ quan nghiên cứu, tìm hiểu quân đội các nước trên thế giới, từ đó vận dụng vào việc lãnh đạo, chỉ huy đơn vị do mình quản lý. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Chỉ thị số 89/CT-BQP chỉ đạo về việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong quân đội. Trong chỉ thị này xác định ngoại ngữ là một tiêu chí bắt buộc trong công tác đào tạo cán bộ quân đội, đồng thời nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp mà các đơn vị phải thực hiện để nâng cao chất lượng dạy-học ngoại ngữ. Việc kiện toàn đội ngũ giáo viên, hoàn thiện hệ thống giáo trình, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng trung tâm đào tạo ngoại ngữ đầu ngành, xây dựng khung đánh giá năng lực ngoại ngữ gắn với đặc thù hoạt động quân sự v.v.. đang được các cơ quan chức năng, các học viện, nhà trường tích cực hoàn thiện. Với quyết tâm từ bộ xuống cơ sở, chắc chắn chất lượng dạy-học ngoại ngữ trong quân đội sẽ có những bước chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Ngoại ngữ chính là cánh cửa, là phương tiện để người Việt Nam tự tin bước ra thế giới. Vì thế, việc nâng cao chất lượng dạy-học, phổ biến ngoại ngữ đối với người dân Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ là việc không thể chần chừ được nữa.
Nguồn: qdnd.vn